Ngày 17/6, bộ sưu tập áo thun UT "Peace For All" cho mục đích thiện nguyện của UNIQLO đồng thời lên kệ cửa hàng của hãng này trên toàn cầu.
Điều đáng nói, đây là những mẫu áo thun do 5 người nổi tiếng hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, văn học, khoa học và thể thao tự tay thiết kế, hướng đến mục đích gây quỹ, để thông qua hoạt động mở bán các mẫu áo thun UT thể hiện thông điệp ý nghĩa về hòa bình.
Với Nhà đô thị học, Kiến trúc sư người Nhật Bản, Tadao Ando, mẫu áo thun của ông mang tên “The Earth is One" (Thế giới hòa làm một). Tadao Ando chia sẻ: “Trong thế giới ngày càng bị chia cắt như hiện nay, chúng ta cần phải nhận thức và quay về với thực tế rằng tất cả chúng ta đều sống cùng nhau trên một hành tinh duy nhất. Đó là lý do tại sao tôi đã sử dụng thông điệp này cho mẫu thiết kế áo thun UT của riêng mình cho dự án lần này. Và để đạt được ý niệm "The Earth is One" (Thế giới hòa làm một), điều quan trọng là mỗi người phải suy nghĩ thật kỹ về những gì chúng ta, với tư cách cá nhân, có thể đóng góp sức mình cho xã hội chung”.
Tadao Ando (Nhật Bản) là người sáng lập Tadao Ando Architect & Associates năm 1969. Ông trở thành Giáo sư tại Đại học Tokyo năm 1997 và Giáo sư danh dự năm 2003. Ông có nhiều công trình nổi tiếng trong nước thế giới như: Nhà liền kề (Row House) ở Sumiyoshi, Nhà trưng bày Nhật Bản cho sự kiện nổi tiếng Expo năm 92 (Japan Pavilion), Nhà thờ Ánh sáng, Bảo tàng Chikatsu Asuka thuộc tỉnh Osaka, Awaji Yumebutai, Bảo tàng Nghệ thuật Tỉnh Hyogo và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của Fort Worth; Punta della Dogana, và Bourse de Commerce.
Còn Kashiwa Sato, Giám đốc Sáng tạo kiêm Giám đốc điều hành của SAMURAI INC chia sẻ: “Tôi thiết kế chiếc áo thun UT mang thông điệp của riêng tôi về Hòa bình, theo một cách đơn giản, thẳng thắn và trực diện nhất. Thông điệp "Peace For All" được lặp đi lặp lại liên tục, đại diện cho cảm xúc và tiếng nói của nhiều người trên toàn thế giới. Nó thể hiện khát vọng mạnh mẽ và chân thành về một thế giới hòa bình”.
Kashiwa Sato là người lên chiến lược toàn diện cho các thương hiệu, Kashiwa Sato đã hợp tác với rất nhiều công ty hàng đầu trong các dự án khác nhau. Ông cũng là người thiết kế nhận diện thương hiệu của dòng sản phẩm áo thun in họa tiết UT của UNIQLO vào năm 2007.
Còn người mẫu kiêm nhà thiết kế Ines de la Fressange thì chọn cánh chim hòa bình cho mẫu thiết kế của mình. Cô chia sẻ: “Ngày nay các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang phải rộng mở và thể hiện được tầm nhìn một cách vững chắc hơn về thế giới và nhân loại. Tôi tin rằng mọi người sẽ được truyền cảm hứng rất nhiều đối với dự án ý nghĩa này, nơi mỗi chiếc áo thun UT đang góp phần thể hiện thông điệp của mỗi cá nhân về nền hòa bình của nhân loại. Bạn có hào hứng khi được khoác lên mình chiếc áo thun UT này không?”.
Chọn bắt đầu sự nghiệp người mẫu, Ines de la Fressange nhanh chóng trở thành một trong những nàng mẫu nổi tiếng hàng đầu thế giới, sải bước trên những sàn diễn của những nhà mốt cao cấp và tầm cỡ nhất từ tuổi 17. Đến nay, cô vẫn là một biểu tượng của phong cách, nàng thơ yêu kiều của các nhà mốt. Năm 2013, cô thành lập thương hiệu của riêng mình với tư cách giám đốc nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp sang trọng của phụ nữ Paris hiện đại.
Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản, Haruki Murakami, cũng đồng hành cùng dự án. Ông cho biết: “Tôi chỉ mong muốn mình có thể đóng góp được điều gì đó, dù là một cá nhân nhỏ bé. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt khi cùng chung tay tạo nên một thế giới mà ở đó con người và động vật (cụ thể là loài mèo) có thể sống trong hòa bình”.
Sinh năm 1949 tại Kyoto, năm 1979, Haruki Murakami trình làng văn giới với tác phẩm Lắng nghe gió hát. Các tác phẩm đáng chú ý nhất của ông gồm Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển và 1Q84. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và nhận được vô số giải thưởng, trong đó có giải Franz Kafka. Ông cũng dày công dịch những tác phẩm văn học có ảnh hưởng đến mình nhất, như Gatsby vĩ đại hay Bắt trẻ đồng xanh. Ông đã xem phim Harper nhiều hơn bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào và cũng rất mê bộ tiểu thuyết chuyển thể cùng tên.
Và cuối cùng, Nhà khoa học, bác sĩ, Tiến sĩ Shinya Yamanaka, người đã được trao giải Nobel Y - Sinh vào năm 2012 vì đã chế tạo thành công tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) từ tế bào da, cũng đã tham gia thiết kế sản phẩm áo thun cho dự án. Ông cho biết:“Tôi tham gia dự án này vì tôi muốn làm điều gì đó hữu ích với tư cách cá nhân hơn là chỉ thúc đẩy nghiên cứu với tư cách là một bác sĩ-nhà khoa học. Khả năng của tiến bộ khoa học để xây dựng thế giới theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào những người sử dụng nó. Đó là lý do tại sao tôi thêm thông điệp "Humanity must progress" (Cả nhân loại cùng phải tiến lên)”.
Shinya Yamanaka là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào iPS (CiRA) tại Đại học Kyoto, Giám đốc đại diện của Quỹ CiRA, và Điều tra viên cấp cao tại Viện Gladstone ở Hoa Kỳ.
Bộ sưu tập áo thun UT "Peace For All" nằm trong khuôn khổ dự án Peace For All mà UNIQLO vừa ra mắt ngày 16/6, tiếp tục thể hiện cam kết không ngừng của thương hiệu trong việc hỗ trợ các nỗ lực vì hòa bình trên toàn thế giới, thông qua dòng áo thun in họa tiết độc quyền UT như một cầu nối để mỗi cá nhân thể hiện thông điệp và thế giới quan độc đáo của riêng mình.
Cụ thể, Tập đoàn Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu UNIQLO, sẽ trích toàn bộ phần lợi nhuận thu được từ bộ sưu tập (tương đương từ khoảng 20% giá bán trên mỗi sản phẩm) để đóng góp đồng đều cho các tổ chức quốc tế, bao gồm Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) và Plan International với mục đích hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng bởi nạn nghèo đói, phân biệt đối xử, bạo lực, xung đột và thiên tai trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, dự án sẽ tiếp tục cho ra mắt các thiết kế áo thun UT từ các cá nhân, nhà thiết kế khác trong thời gian sắp tới sau lần ra mắt đầu tiên trên toàn cầu bắt đầu từ 17/6; bao gồm: Jonathan William Anderson, Ayumu Hirano, Rei Inamoto, Kosuke Kawamura, Shingo Kunieda, Christophe Lemaire, Kei Nishikori, Gordon Reid, Adam Scott, và Hana Tajima.
MH
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nam-ten-tuoi-hang-dau-the-gioi-thiet-ke-ao-thun-cho-muc-dich-thien-nguyen-a17055.html