Cần chuẩn bị tốt các kịch bản tại thuỷ điện Hoà Bình trước diễn biến bất thường của thiên tai

Ngày 17/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai  dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát và làm việc với các bên liên quan về quy trình xả nước tại hồ Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà máy thủy điện xả nước trước mùa lũ để dành dung tích phòng chống lũ. Tuy nhiên, theo ông Phương, việc xả lũ này sẽ dẫn đến khó khăn cho ngành điện. Vì hiện tại thủy điện Hòa Bình đang mở 5 cửa xả trước mùa mưa lũ gây ra lo ngại thiếu nước phát điện nếu như mưa không như dự báo.

phuong-1655538448.jpg
Ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo ngại thiếu điện nếu mưa không theo dự báo.

Thủy điện Hòa Bình đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho miền Bắc. Từ cơ sở trên, ông Phương cho rằng cần vận hành linh hoạt liên hồ chứa, tính toán thời điểm hợp lý nhất để xả lũ, đóng cửa xả; giữ mực nước hiện tại để phát điện lâu dài thay vì xả gây lãng phí.

Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng, cho rằng Trong 11 liên hồ chứa toàn quốc thì liên hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà là liên hồ chứa phức tạp nhất.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời cho các địa phương vùng hạ du chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho hồ thủy điện xả lũ.

Căn cứ tình thực tế, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai đã cùng Văn phòng Chính phủ, EVN và 6 cơ quan tính toán chuyên sâu xây dựng phương án đóng 1 cửa xả đáy hồ Sơn La, 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 16h chiều 17/6. Trong thời gian tới, căn cứ theo lượng mưa để điều chỉnh việc đóng mở cho phù hợp.

Tuy nhiên, "việc dự báo lượng mưa hiện tại rất khó khăn, như năm 2017, giữa dự báo và thực tế chênh nhau quá lớn dẫn đến vận hành khó khăn", ông Hoài nói.

Đặc biệt, năm nay theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong các tháng 7-8-9, khu vực miền Bắc lượng mưa sẽ tăng 15-30%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hồ chứa và ngập lụt tại vùng hạ du.

hoan-1655538522.jpg
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia tại biểu làm việc.

Trên cơ sở đó, ông Hoài đề nghị EVN chỉ đạo ban quản lý các hồ thường xuyên kiểm tra, hiệu chỉnh hệ thống theo dõi giám sát, đảm bảo hoạt động ổn định, tạo thuận lợi cho việc vận hành hồ chứa một cách chính xác, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần bám sát diễn biến của dự báo thời tiết để có phương án vận hành phù hợp. Bởi lẽ, nếu thực tế diễn ra đúng theo dự báo thì thời gian tới an toàn hồ đập sẽ bị đe dọa, việc xả lũ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ du. Tuy nhiên, nếu thực tế không xảy ra như dự báo thì nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và phát điện lại trở thành bài toán nan giải.

Về phía các địa phương, ông Hoài đề nghị cần đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc luôn được thông suốt, khi có thông báo mới phải nhanh chóng đưa được tới người dân để sẵn sàng phối hợp, ứng phó khi có các tình huống bất ngờ xảy ra.

Phát biểu kết luận cuộc cuộc làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cho rằng, vừa qua, sự phối hợp giữa cơ quan Khí tượng thủy văn, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất nhịp nhàng, bảo đảm an toàn đê đập, hạ du, sinh kế, tài sản, tính mạng của nhân dân khu vực hạ du và an toàn khu vực Thủ đô Hà Nội.

ktra-1655538641.jpg
Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại Thuỷ điện Hoà Bình.

Việc vận hành liên hồ chứa Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình đã bảo đảm cân bằng 3 mục tiêu vừa cấp nước, vừa cắt lũ và phát điện. Đây là lần đầu tiên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ trước thời điểm mùa lũ. Qua đó, chủ động, cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phản ứng kịp thời với thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động để ứng phó với thiên nhiên, dự báo kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan về vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cao nhất việc cắt lũ, xả lũ trong mọi tình huống...

 

PV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-chuan-bi-tot-cac-kich-ban-tai-thuy-dien-hoa-binh-truoc-dien-bien-bat-thuong-cua-thien-tai-a17049.html