Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm khắc phục nhất bất cập hạn chế, nhất là đã bộc lộ trong giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội nêu rõ, việc hoàn thiện luật vừa làm kim chỉ nam cho ngành y tế vượt qua khó khăn trước mắt và định hướng phát triển lâu dài.
Góp ý về hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh dự thảo chia 3 cấp (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu), đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi phù hợp với Nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập và quan tâm khám chữa bệnh ban đầu.
Theo đó, dự thảo Luật cũng chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn khi quy mô dân số tại 1 phường hơn 100.000 dân nhưng vẫn chỉ có một trạm y tế. Do đó, tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ, rất cần mô hình cụ thể.
Theo đại biểu, công tác khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình y học gia đình kết hợp khu vực tư nhân và trạm y tế, đặc biệt kết nối giữa khám, chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, hài hòa nguồn thu giữa các tuyến…
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về khám chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề. Đại biểu cũng góp ý về quy định xã hội hóa cần rõ cơ chế huy động thu hút xã hội hóa trong khám chữa bệnh.
Liên quan tới vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho biết, tại Khoản 5 Điều 51 của Dự Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây lúng túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết. Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động.
Đại biểu Khương Thị Mai (đoàn tỉnh Nam Định) cũng cho rằng, việc liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu là bệnh viện công, liên doanh, liên kết với bệnh viện tư.
Theo đại biểu, có nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua: Khó khăn về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; khó khăn về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; khó khăn liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh liên kết; khó khăn liên quan đến thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết. Vì vậy, trong thời gian qua có tình trạng lạm dụng các chi phí xét nghiệm, chi phí liên quan đến người bệnh trong sử dụng tài sản liên doanh, liên kết.
Đại biểu cho biết, vì chưa có quy định rõ về nội dung này, không quy định rõ công tư phân định trong Điều 90, dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà, cụ thể là nếu bệnh viện công lập muốn liên doanh, liên kết với một bệnh viện tư thì cần phải lập đề án trình UBND tỉnh, UBND tỉnh xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh dẫn đến rất rườm rà trong cải cách hành chính. Đại biểu đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải quy định rõ nội dung này.
PV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-ro-co-che-huy-dong-thu-hut-xa-hoi-hoa-trong-kham-chua-benh-a16899.html