Làm sao để đảm bảo an toàn tài chính, an sinh xã hội cho người lao động khi về già?

Theo các chuyên gia lao động, giai đoạn hậu COVID-19, đời sống người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên đã có không ít người lao động chọn giải pháp rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo an toàn tài chính, an sinh xã hội cho người lao động khi về già.

congnhan1-1655012597.jpg
Các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức các phiên chợ 0 đồng, phiên chợ giảm giá để chia sẻ khó khăn với công nhân trong thời "bão" giá.

Rút BHXH, vay tiền để trang trải cuộc sống

Vừa rút BHXH một lần được 57 triệu đồng để mở tiệm tạp hóa, chị Lê Minh Hà, ngụ ở quận Gò Vấp cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng cùng làm công nhân được khoảng 14 triệu đồng/tháng nhưng lại có hàng loạt khoản phải chi. Trong đó, tiền nhà trọ và các khoản điện, nước ngốn hết gần 3 triệu đồng/tháng, hai đứa con nhỏ gởi trường tư thấp nhất cũng mất 5 triệu đồng/tháng, tiền sữa cho con cũng gần 2 triệu đồng/tháng... Sau khi chắt bóp chi tiêu, một tháng hai vợ chồng chị Hà cũng dư được 2 triệu đồng phòng khi con cái ốm đau. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập đến, hai vợ chồng chị Hà đều rơi vào cảnh thất nghiệp. 

“Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chỉ chồng tôi được nhận đi làm trở lại, còn tôi rất khó xin việc vì năm nay tôi đã 52 tuổi. Để ổn định cuộc sống, tôi đành phải rút BHXH một lần, về nhà mở một tiệm tạp hóa để mưu sinh. Khi rút BHXH một lần, tôi chỉ nghĩ số tiền đó sẽ giúp cả gia đình tôi trang trải cuộc sống trước mắt như chi tiêu, ăn uống hàng ngày, đóng học phí cho con cái đầy đủ... chứ chúng tôi chưa thể nghĩ sâu xa về lợi ích khi mình về già", chị Lê Minh Hà cho biết.

Theo T.S Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến nay, sự dịch chuyển lao động đang tiến triển tích cực. Cụ thể, lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước, thu nhập người lao động cũng tăng so với quý trước dù chưa đáng kể, hiện khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập thấp như hiện nay, người lao động vẫn không đủ để trang trải cuộc sống, vì vậy mới xảy ra nhiều hệ lụy. 

congnhan3-1655012647.jpg
T.S Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo "Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?" mới đây tại TP Hồ Chí Minh.

"Một thực trạng đáng lo ngại là hiện nay, theo đánh giá chung của ngành lao động, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao nên họ chọn giải pháp tăng ca, nếu không lương không đủ sống, tương lai bấp bênh. Đây là vòng luẩn quẩn quấn lấy người lao động trong các khu công nghiệp, khu đô thị... ", TS. Vũ Minh Tiến cho biết thêm.

Cũng theo TS.Vũ Minh Tiến, để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người lao động, các cấp công đoàn trên cả nước cũng thường xuyên có các hoạt động chăm lo như: hỗ trợ vay vốn, tổ chức các hội chợ giảm giá, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn... Tuy nhiên, công tác này vẫn cần sự chung tay chăm lo của các cơ quan quản lý, nhà nước, doanh nghiệp... 

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Dony nhận xét, câu chuyện lo lắng về đời sống, về việc làm là nỗi lo muôn thuở của người lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu COVID-19, nỗi lo chính của người lao động không chỉ là lương cao hay lương thấp mà còn là lo công việc ổn định hay không. Vì vậy, trong giai đoạn hậu COVID-19 mới có tình trạng nhiều người lao động chọn giải pháp rút sổ BHXH một lần để có đồng vốn làm ăn, duy trì cuộc sống.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua khảo sát mới đây, độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vì vậy, để hạn chế rút BHXH một lần, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động.

Dẫn chứng một số nước châu Phi cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ trẻ sẽ có nguồn lực để tham gia BHXH. Hay như Thái Lan, hiện cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ em, đảm bảo vấn đề nuôi con cái trong thời gian đầu để bố mẹ trẻ có thu nhập thấp có thể tham gia BHXH.

“Việc rút bảo hiểm một lần là quyền của người lao động nhưng chúng ta có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu, điều này sẽ gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai. Cụ thể, khi rút BHXH một lần, người lao động không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không được đảm bảo khi về già. Mặt khác, để đảm bảo an sinh xã hội khi về già thì ngay khi còn trẻ, người lao động cần phải tham gia BHXH để tích lũy cho chính mình và sau này, tránh phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người khác”, PGS.TS Giang Thanh Long nói.

Đồng tình với việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về BHXH, ông Phạm Quang Anh kiến nghị các cơ quan BHXH cần tuyên truyền mạnh mẽ về câu chuyện đóng BHXH liên tục, thực hiện phương thức, thủ tục làm sao tinh giản để người lao động cảm thấy nhanh chóng và tiện ích. Ngoài ra, từ trước đến nay, đa phần doanh nghiệp đứng ra làm thủ tục BHXH cho người lao động nên khi người lao động tự làm, sẽ có nhiều vướng mắc. Vì vậy, cơ quan BHXH cần có hướng dẫn cụ thể hơn để người lao động có thể tự làm tốt hơn.

Theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 50 triệu người lao động đang tham gia BHXH, tăng nhẹ so với năm ngoái. T.S Vũ Minh Tiến cho rằng, để đảm bảo các chế độ cho người lao động khi tham gia BHXH khi về hưu, các cơ quan, đơn vị cần tuyên truyền đúng đắn cho người dân hiểu, đặc biệt là về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động hơn.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, có tiền lương đủ sống cho người lao động. 

Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi; kiến nghị BHXH Việt Nam cần có nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm chế độ dành cho trẻ em là con của người tham gia bảo hiểm xã hội để thu hút người lao động tham gia và đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động.

Hoàng Tuyết

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lam-sao-de-dam-bao-an-toan-tai-chinh-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong-khi-ve-gia-a16849.html