Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bá cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí…
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương cho biết, trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí, phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
“Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing... Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang...”, ông Lâm chia sẻ.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, cho rằng: Chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hoá, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số.
Theo ông Lê Quốc Minh, chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân thì mới chuyển đổi số được. Mỗi cơ quan báo chí nên thực hiện chuyển đổi số theo năng lực của mình. Hiện các cơ quan báo chí có thể hợp tác với nhau để giảm chi phí, thu hút được lớn bạn đọc.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đồng thời, các đại biểu đưa ra những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Hạnh Nguyên
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-tiep-can-cong-chung-nhanh-hon-a16834.html