Tham dự Hội thảo khoa học “Giải pháp kích cầu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời COVID-19” các đại biểu đều cho rằng: Đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và đặc thù, nhất là về phong cảnh và lòng mến khách của người dân địa phương.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch Việt Nam, trong đó có 5 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia, riêng tỉnh Bạc Liêu có 9/39 điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch. Vùng nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước…
Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm..., với những nét văn hóa hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, như giao thông chủ yếu sử dụng ghe, thuyền; các điểm quần cư nông thôn gắn liền với hệ thống kênh rạch, sống chung với lũ và phương thức khai thác các sản vật mùa khô và mùa nước nổi...
Đặc biệt, với lợi thế thỏa thuận liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu khẳng định: Du lịch sinh thái cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn được “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 đến 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường cho biết, xu hướng liên kết trong phát triển du lịch là xu hướng sống còn của ngành Du lịch hiện nay. Các nội dung cần quan tâm trong công tác liên kết, hợp tác gồm: lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới…
Liên kết phát triển du lịch góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận…
Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, triển khai các nội dung phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch trong bối cảnh mới, truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” với thị trường nội địa.
PV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoi-sinh-du-lich-vung-dong-bang-song-cuu-long-sau-dai-dich-covid-19-a16781.html