Bản án nào cho những “ma men” sau tay lái

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Và sau những cuộc vui có sử dụng rượu bia đó, đã có rất nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không làm chủ được hành vi, tốc gây ra những vụ tai nạn thương tâm. Đáng nói, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) có hậu quả nghiêm trọng, do người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước gây ra.

Theo số liệu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia, con số này đang có xu hướng gia tăng.

Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% ngưi lái ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Nỗi đau tột cùng 

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại TP.Bắc Giang ngày 2/6/2022 đã cướp đi sinh mạng của 3 người trong một gia đình. Lái xe Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe Audi BKS 98A - 499.44 chạy với tốc độ cao trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, khi qua ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đã đâm vào xe mô tô khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong tại chỗ. Điều tra sau tai nạn, lái xe này chạy xe trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn đo được cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

1-9814-1654746141.jpeg
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại TP.Bắc Giang.

Hay ngày 21/3 đã xảy ra vụ TNGT do lái xe Lương Duy Tân (sinh năm 1980, trú tại TP Đà Nẵng) điều khiển ô tô BKS 43A - 505.82 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ đâm thẳng vào tiệm bánh mỳ làm 5 người bị thương khiến không ít người bàng hoàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lái xe Tân có nồng độ cồn trong máu ở mức 0,674 miligam/lít khí thở và dương tính với ma túy do có sử dụng thuốc lắc tại sinh nhật bạn vào tuần trước.

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra, cướp đi cuộc sống của nhiều người và làm nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Bi kịch không chỉ đối với những người gây ra tai nạn, mà liên đới đến rất nhiều người khác. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người sống và có khi đẩy gia đình vào hoàn cảnh bế tắc.

Có lẽ không gì có thể diễn tả hết nỗi đau đớn của những người có người thân khi đột ngột mất đi trong các vụ TNGT. Có người thân của nạn nhân phải chịu sự ám ảnh rất lâu, không thể nguôi ngoai, khi chứng kiến người thân yêu của mình bị tai nạn quá thảm khốc và lìa cõi trần với cơ thể không lành lặn. Có những trường hợp gặp TNGT và may mắn thoát chết nhưng lại chịu cảnh tàn tật suốt đời. 

Cần có những bản án đủ sức răn đe

Thực tế vấn nạn “ma men” sau tay lái đã được dư luận xã hội nhiều lần lên án gay gắt, giới chuyên gia và cơ quan truyền thông đã lên tiếng cảnh báo thường xuyên. Thậm chí Nghị định 100/NĐ-CP đã có nhưng quy định xử phạt khá nặng đối với vi phạm, song, dường như các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng vẫn cần phải mạnh tay hơn nữa để răn đe. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào một vài đợt phát động cao điểm ra quân hàng năm sẽ khiến cuộc chiến với "ma men" khó đạt được những mục tiêu đề ra.

dsc04365-jpg-9987-1557938698-1654746173.jpg
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ còn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/CP, tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 18 - 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng bằng lái tăng từ 6 tháng lên 24 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ TNGT do uống rượu, bia vẫn tăng cao.

Vì vậy, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, phải có các biện pháp cứng rắn hơn như: Tăng nặng mức xử phạt, tước vĩnh viễn bằng lái xe… mới đủ sức răn đe; đồng thời, cũng cần bổ sung các quy định góp phần làm giảm việc cung cấp các đồ uống có cồn như: Tăng thuế sản phẩm, tăng thuế đối với các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quy định ngày, giờ sử dụng... Thậm chí, còn phải sửa đổi luật hình sự để phạt tù những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đang là 1 trong những mức xử phạt cao nhất, đặc biệt đối với lái xe ô tô.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới đây cũng đã chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành khởi động lại công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm nồng độ cồn; tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể cũng tăng cường quán triệt cán bộ, viên chức không sử dụng rượu bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc… ”, ông Nguyễn Trọng Thái chia sẻ.

Từ năm 2005, Liên Hợp Quốc chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm để tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, và Việt Nam hưởng ứng các hoạt động này từ năm 2012. Đây là hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng nhằm tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông, vinh danh các dịch vụ cứu trợ và hỗ trợ nhằm đẩy lùi và cùng chia sẻ, xoa dịu nỗi đau cũng như là lời cảnh tỉnh thiết thực cho những người tham gia giao thông.

 

 

 

Nho Quế

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/xot-xa-nhung-nan-nhan-cua-nhung-ma-men-sau-tay-lai-a16733.html