Ô nhiễm gây ra khoảng 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm

Năm nay và năm 2023 sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng toàn cầu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường.

Trong thông điệp nhân Ngày môi trường Thế giới (5/6), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cho biết, hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, đồng thời ông cảnh báo rằng các hệ thống tự nhiên của trái đất “không thể theo kịp nhu cầu của chúng ta”.

“Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ sức khỏe của bầu khí quyển, sự phong phú và đa dạng của sự sống trên trái đất, các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên hữu hạn của nó, nhưng chúng ta đang thất bại trong việc này”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh.

Kể từ năm 1973, ngày 5/6 đã được công nhận là ngày để nâng cao nhận thức và tạo ra động lực chính trị xung quanh các mối quan tâm ngày càng tăng về môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm hóa chất độc hại, sa mạc hóa và sự nóng lên toàn cầu. Kể từ đó, ngày này góp phần thúc đẩy hành động toàn cầu, cũng như sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và chính sách môi trường quốc gia và quốc tế.

rac-1654481968.jpg

Hệ thống tự nhiên của trái đất “không thể theo kịp nhu cầu của chúng ta”.

Nhấn mạnh môi trường trong lành mang đến các yếu tố thuận lợi như cung cấp thực phẩm, nước sạch, thuốc men, điều hòa khí hậu và bảo vệ khỏi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ông Guterres cho rằng, môi trường trong lành là điều cần thiết cho con người và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Theo ông, điều cần thiết là chúng ta phải quản lý thiên nhiên một cách khôn ngoan và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các dịch vụ của nó, đặc biệt là đối với những người và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

Năm nay và năm 2023 sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng toàn cầu để chứng minh sức mạnh của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường đan xen của chúng ta, từ các cuộc đàm phán về một khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu mới nhằm đảo ngược tình trạng mất mát thiên nhiên vào năm 2030 đến việc thành lập một hiệp ước về giải quyết ô nhiễm nhựa.

Ông Guterres nhắc lại cam kết của LHQ trong việc dẫn dắt các nỗ lực hợp tác toàn cầu, bởi vì con đường duy nhất hướng về tương lai là hợp tác với thiên nhiên, không chống lại thiên nhiên.

Theo số liệu của LHQ, hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các hệ sinh thái bị suy thoái. Ô nhiễm gây ra khoảng 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm và hơn 1 triệu loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo ông Guterres, một nửa nhân loại đã ở trong vùng nguy hiểm về khí hậu, với nguy cơ tử vong do các tác động khí hậu như nhiệt độ khắc nghiệt, lũ lụt và hạn hán cao gấp 15 lần. Ngoài ra, có 50% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ vi phạm Thỏa thuận Paris giới hạn 1,5 độ C trong 5 năm tới. Và đến năm 2050, hơn 200 triệu người mỗi năm có nguy cơ phải di dời do biến đổi khí hậu.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại cuộc họp cách đây 50 năm tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trườngcon người, họ đã cam kết bảo vệ hành tinh. Tuy vậy, con đường thành công còn rất xa. Chúng ta không còn có thể phớt lờ những hồi chuông báo động vang lên mỗi ngày.

Cuộc họp môi trường Stockholm + 50 gần đây đã nhắc lại rằng tất cả 17 SDG đều dựa vào một hành tinh lành mạnh để ngăn chặn ba cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Ông Guterres kêu gọi các chính phủ ưu tiên hành động khí hậu và bảo vệ môi trường thông qua các quyết định chính sách thúc đẩy tiến bộ bền vững.

Tổng thư ký LHQ cũng đưa ra các khuyến nghị để kích hoạt năng lượng tái tạo ở khắp mọi nơi bằng cách cung cấp các công nghệ và nguyên liệu tái tạo cho tất cả mọi người, chuyển đổi trợ cấp và tăng cường đầu tư gấp ba lần.

Các doanh nghiệp cần đặt tính bền vững vào trọng tâm của quá trình ra quyết định vì lợi ích của con người và lợi nhuận của chính họ. Ông Guterres nói, một hành tinh khỏe mạnh là “xương sống” của gần như mọi ngành công nghiệp trên trái đất.

Ông ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là "tác nhân mạnh mẽ của sự thay đổi", bao gồm cả việc ra quyết định ở tất cả các cấp. Ông cũng đề cao việc sử dụng kiến thức bản địa và truyền thống để giúp bảo vệ các hệ sinh thái mong manh.

Quan chức LHQ nhấn mạnh rằng lịch sử đã cho thấy những gì có thể đạt được khi chúng ta đặt hành tinh lên hàng đầu, chỉ ra một lỗ thủng trong tầng ôzôn cỡ lục địa khiến mọi quốc gia cam kết thực hiện Nghị định thư Montreal, trong đó loại bỏ dần các hóa chất làm suy giảm tầng ôzôn.

Ông David Boyd, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền và môi trường cảnh báo, các cuộc xung đột đang gia tăng sự tàn phá môi trường và vi phạm nhân quyền.

Ông cho biết, hòa bình là điều kiện tiên quyết cơ bản để phát triển bền vững và giúp con người thụ hưởng đầy đủ quyền của họ, bao gồm quyền có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững.

Xung đột gây tổn thất lớn về năng lượng; tạo ra lượng lớn phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, làm tăng ô nhiễm không khí độc hại, nước và đất và phá hủy thiên nhiên.

 

 

NQ

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/o-nhiem-gay-ra-khoang-9-trieu-ca-tu-vong-som-moi-nam-a16635.html