Người dân phấn khởi
Những ngày đầu tháng 6-2022, khu vực miền Trung bước vào đợt nắng nóng. Cái nắng gắt của vùng cát Quảng Bình mang theo gió Lào khiến thời tiết nơi đây oi nồng.
Không quản ngại nắng gió, bà Bùi Thị Loan, xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) - một trong những nhân viên thu BHXH của xã Hoa Thủy đến nhiều địa điểm để trò chuyện về chính sách an sinh.
Với những người đã tham gia, bà Loan nói về những điểm thay đổi của chính sách BHXH tự nguyện, giải thích rõ cho người dân hiểu mức đóng bảo BHXH tự nguyện tăng do chuẩn nghèo tăng lên. Cách thức đóng rất linh hoạt, nếu điều kiện cho phép, người dân có thể đóng liền 3 tháng, 6 tháng, nếu khó khăn, người tham gia có thể đóng theo tháng với mức tối thiểu gần 300.000 đồng/người/tháng. Thậm chí, có trường hợp khó khăn, hiện chưa thu xếp được khoản tiền đóng BHXH, buộc phải tạm dừng tham gia, bà Loan cho họ vay tiền đóng để quá trình tham gia không bị gián đoạn…
Đối với những trường hợp chưa tham gia, dù họ đang ở nhà, đi làm đồng hay đang phơi thóc, bà Loan cũng lựa thời điểm thích hợp, tỉ tê nói chuyện về lợi ích của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Mưa dầm thấm lâu, bà Bùi Thị Loan cùng các nhân viên thu BHXH của xã Hoa Thủy trở thành nhịp cầu nối đưa những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước về với người dân vùng khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa cho biết, Hoa Thủy là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh, người già cơ bản sống nhờ con, cháu. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được triển khai, Đảng ủy, UBND xã xác định rõ việc đưa chính sách đến với người dân là giải pháp quan trọng giúp họ có điểm tựa an sinh khi về già hoặc khi không may bị ốm đau, bệnh tật…
Trên tinh thần đó, xã Hoa Thủy phát triển 2 đại lý thu, một đại lý thuộc UBND xã, một đại lý do Bưu điện xã thực hiện. Nhân viên đại lý là những người uy tín trong cộng đồng, nắm rõ luật, có kỹ năng tuyên truyền. Bền bỉ triển khai, đến nay, xã Hoa Thủy có hơn 370 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng gần 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (gấp hơn 4 lần mức trung bình chung của cả nước), hơn 2.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, nâng số người tham gia BHYT đạt hơn 91% dân số.
Về phía người dân, khi có tên trên hệ thống BHXH, ai cũng phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Duân, thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy chia sẻ: “Tuổi già có lương hưu sẽ bớt khổ, không phải phụ thuộc vào con cháu, nên tôi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2016. Thấy rõ lợi ích thiết thực, tôi đã vận động thêm chị gái, em gái, cháu gái tham gia. Chồng tôi cũng chuẩn bị tham gia…”.
Với cách làm tương tự, chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với nhiều người dân xã nghèo Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình). Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Nguyễn Ngọc Lành thông tin: “Riêng năm 2021, xã phát triển được 210 người tham gia BHXH tự nguyện, gấp 10 lần nhiều năm trước cộng lại. Những tháng đầu năm nay, số người tham gia tiếp tục gia tăng. Có thể kể đến trường hợp chị Trần Thị Hiên, anh Võ Hoài Bắc, chị Tưởng Thị Hoa… bắt đầu tham gia từ tháng 6-2022. Số người tham gia BHYT bao phủ hơn 90% dân số.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình triển khai đồng bộ các giải pháp đưa chính sách BHXH về vùng khó khăn, qua đó góp phần tạo điểm tựa an sinh cho người dân.
Nỗ lực triển khai
Việc chú trọng triển khai chính sách BHXH, BHYT giúp tỉnh Quảng Bình thu về những “trái ngọt” an sinh. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết, đến thời điểm cuối tháng 5-2022, toàn tỉnh có gần 105.000 người tham gia BHXH (gần 71.000 người tham gia theo diện bắt buộc, gần 34.000 người tự nguyện tham gia), tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Số người tham gia BHYT đạt khoảng 90% tổng dân số của tỉnh. Các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng…
Tuy nhiên, việc phát triển số người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hiện gặp nhiều khó khăn do đời sống, thu nhập của người dân còn khó khăn. Trong khi đó, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, từ tháng 1-2022, mức chuẩn nghèo tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng, dẫn đến mức đóng BHXH tự nguyện tăng gấp hơn 2 lần, vượt quá khả năng của một số hộ dân. Điều này lý giải vì sao, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 4.144 người tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Với BHYT, số đối tượng tham gia giảm 9.000 người, chủ yếu là ở vùng khó khăn, cũng vì lý do họ không đủ khả năng tự trang bị tấm thẻ an sinh cho bản thân, gia đình…
Để mở rộng diện bao phủ an sinh tại những vùng khó khăn, BHXH tỉnh Quảng Bình phối hợp với các sở, ngành chức năng chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho một số trường hợp.
Là đơn vị phối hợp với cơ quan BHXH để phát triển đối tượng tham gia, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Lê Hoàng cho hay, đơn vị hiện có 154 điểm phục vụ người dân trên toàn tỉnh. Giúp người dân tiếp cận với chính sách, các đại lý thu BHXH thuộc hệ thống bưu điện liên tục tổ chức hội nghị truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hộ gia đình đến cấp cơ sở theo từng nhóm nhỏ, phù hợp với nét sinh hoạt, phong tục của từng địa phương…
Ở cấp cơ sở, hằng năm, các xã, thị trấn đưa mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND. Đánh giá về việc phát triển BHXH, BHYT tại tỉnh Quảng Bình, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh: “Yếu tố con người có vai trò quyết định trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với người dân, trong đó có chính sách BHXH. Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực đưa chính sách BHXH, BHYT về vùng khó khăn, đạt những kết quả khả quan. Hy vọng, thời gian tới, tinh thần nỗ lực vượt khó tiếp tục được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát huy để có thể thu về nhiều hơn những trái ngọt an sinh”.
Vũ Minh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dua-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-ve-vung-kho-o-tinh-quang-binh-a16581.html