Khoảng 10h ngày 28/5, mặt cầu Long Biên xuất hiện lỗ thủng rộng 60cm, dài 100cm, nằm trên phần đường bộ từ quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên. Phần bê tông và mảnh sắt phía dưới gần rơi khỏi mặt cầu, nhìn thấy khoảng sâu phía dưới, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Tạ Quang Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên), giải thích nguyên nhân là cầu khai thác đã 121 năm, các kết cấu thép bị rỉ, hao mòn tiết diện, nhiều tấm đan bị vỡ cộng thêm phương tiện chở nặng qua cầu. Ngoài ra, thời gian qua Hà Nội liên tục mưa, dẫn tới mặt đường bộ càng hỏng nhanh hơn.
Ngay khi phát hiện lỗ thủng, bộ phận thường trực tại cầu đã cảnh báo, phân luồng và lắp đặt tấm đan bê tông mới để phương tiện lưu thông. Việc sửa chữa khiến giao thông bị ùn khoảng 30 phút.
Theo ông Sơn, hồi đầu tháng 5, phần đường dành cho người đi bộ trên cầu Long Biên cũng xuất hiện lỗ thủng, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đơn vị sau đó đã thay tấm đan mới.
Ngoài ra, theo quy định cứ 5-10 năm, cầu Long Biên phải được kiểm định lại. Lần gần nhất cầu được kiểm định vào năm 2012.
Sau khi kiểm tra toàn diện, ngành đường sắt sẽ lập dự án sửa chữa tổng thể cầu Long Biên, dự kiến tiến hành vào năm 2023. "Lần sửa chữa này, chúng tôi đặt mục tiêu đảm bảo cầu hoạt động an toàn đến năm 2030, khi có tuyến đường sắt đô thị số 1 thay thế", ông Cảnh nói.
Về nguyên nhân hư hỏng mặt cầu Long Biên gần đây, Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá, kết cấu của đường bộ hành và đường cho xe thô sơ đã cũ, chắp vá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó có nhiều xe đạp thồ, xe máy thồ, xe ba gác lưu thông qua cầu. Người dân đi xe máy trên đường bộ hành hai bên cũng gây mất an toàn cho cầu.
Hai đầu cầu đã có biển cấm ôtô, cấm xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông từ 5h đến 20h và biển cảnh báo cầu yếu, tuy nhiên lượng phương tiện bị cấm lên cầu vẫn đông, nhất là vào giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải - đơn vị quản lý cầu, cho biết ngày 30/5 đơn vị đã đếm có 150 xe máy thồ, xe ba gác chở nặng qua cầu từ 14h đến 20h. Trong khi chờ sửa chữa các vị trí xung yếu, đơn vị sẽ lắp tấm bản thép lên khe hở rộng giữa các tấm đan trên mặt cầu; đặt biển cấm tụ tập đông người, phương tiện trên mặt cầu, lối đi bộ hành.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, Nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.
Năm 2015, cầu Long Biên được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 đã được Bộ Giao thông Vân tải bàn giao cho Hà Nội thực hiện, đến nay vẫn chưa được khởi động.
Năm 2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung cho sửa chữa, gia cố khẩn phần lối đi cho người đi bộ trên cầu Long Biên như thay thế tấm đan, gia cố, sơn lan can. Kinh phí bảo trì cầu Long Biên năm trước là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và tuần cầu, bảo vệ cầu.
PV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lap-du-an-sua-chua-tong-the-cau-long-bien-a16574.html