Giải pháp giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số

Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, nhiều chương trình, dự án về dinh dưỡng đã được Nhà nước trực tiếp đầu tư và nhiều dự án hợp tác quốc tế được mở rộng. Điều đó đã cải thiện tình trạng dinh dưỡng người dân một cách rõ rệt. Tuy nhiên, thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đặc biệt trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi vẫn còn ở mức cao.

Theo báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các DTTS tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019 cho hay, trong 3 trẻ DTTS có 1 em thấp còi, tỷ lệ 33,3%.

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 - 2020, công bố năm 2021 theo bình luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho thấy, vấn đề suy dinh dưỡng các thể vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, có DTTS sinh sống, bao gồm thiếu dinh dưỡng, thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, i-ốt.

Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên là những nơi có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Với chương trình này, đối tượng là trẻ em DTTS sẽ chiếm một phần không nhỏ. Tuy do nguồn lực và nguồn ngân sách thực hiện vẫn là lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan, mà chưa có giải pháp riêng, nhất là đối với vùng DTTS và miền núi, nên mục tiêu “giải quyết căn bản gánh nặng kép về dinh dưỡng”, xem ra không đơn giản.

Suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giảm chiều cao ở tuổi trưởng thành và suy giảm các chức năng khác sau này; là dấu hiệu chính đánh dấu quá trình phát triển đầu đời dẫn đến tăng trưởng kém và các hậu quả xấu khác.

Ngày 05/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Một trong những mục tiêu của Chiến lược là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030. 

anh-2905-1654162262.jpg
Cần quan tâm chăm lo cho trẻ em vùng DTTS giảm suy dinh dưỡng.

Để đạt được mục tiêu trên cần tăng cường chuyên môn kỹ thuật triển khai can thiệp dinh dưỡng thông qua các chương trình, dự án và mô hình can thiệp dinh dưỡng thiết yếu như: Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ cho trẻ em từ 6 đến 23 tháng); theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em; quản lý và điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Với việc Chiến lược yêu cầu đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và các địa phương thì giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em đã không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế mà có sự vào cuộc của các cấp, các ngành; có sự lồng ghép chặt chẽ với các chương trình liên quan đến dinh dưỡng như: nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, phúc lợi xã hội, nước sạch vệ sinh môi trường…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình MTQG sẽ góp phần chăm sóc trẻ em DTTS tốt hơn cả về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất.

Các dự án hợp phần của Chương trình MTQG có các mục tiêu và nhằm đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; giải quyết các vấn đề về trẻ em; bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Cụ thể, đó là các Dự án 5 “Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Ngày 4/3/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 15/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 44 Thông tư quy định, trẻ em dưới 05 tuổi thuộc các vùng DTTS có khó khăn đặc thù được hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng: tối đa 03 triệu đồng/trẻ; Hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ.

Đồng hành cùng Việt Nam trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian tới, tổ chức này tiếp tục đẩy mạnh giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em DTTS; đảm bảo tiếp cận nước sạch đối với vùng DTTS và miền núi; tiếp tục thực hiện báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em do tác động của đại dịch COVID-19…

Phổ cập giáo dục tiểu học, xóa đói giảm nghèo, giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe bà mẹ đều nằm trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi có thể góp phần đạt được các mục tiêu này thông qua việc tăng cường phát triển nhận thức, thành tích học tập, mức lương cao hơn ở tuổi trưởng thành và các chỉ số sức khỏe và sống còn khác đối với trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS.

Do đó, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em DTTS cần là ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng bệnh tật, vì tương lai tươi sáng của các em và tăng cường phát triển kinh tế - xã hội tại vùng “lõi nghèo”, khó khăn nhất của cả nước hiện nay.

 

 

 

PV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giai-phap-giam-suy-dinh-duong-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so-a16552.html