WHO cũng dự báo, dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Trước nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới như WHO dự báo, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sĩ Socorro Écalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về ảnh hưởng của bệnh đậu mùa khỉ đối với sức khoẻ người dân, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ bùng phát trên diện rộng ở châu Á...
Xin bà vui lòng cho biết bệnh đậu mùa khỉ xuất phát từ đâu, bệnh ảnh hưởng đến con người ra sao?
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm từ động vật do virus gây ra, nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp.
Bệnh xuất hiện phổ biến ở Trung và Tây Phi, nơi có nhiều rừng mưa nhiệt đới và các loài động vật nhiễm bệnh thường sinh sống.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, tiếp xúc chạm da (bao gồm quan hệ tình dục) và tiếp xúc với vật dụng nhiễm mầm bệnh như quần áo hoặc ga gối trải giường.
Tương tự nhiều bệnh cấp tính gây ra bởi virus khác, đậu mùa khỉ có các triệu chứng khởi phát điển hình như sốt cao (trên 38,5 độ C), đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi. Sau 1 đến 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện phát ban đỏ, thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan ra các bộ phận khác trên cơ thể.
Các nốt ban sau đó phát triển thành các tổn thương trên da. Các tổn thương này có thể phẳng hay hơi sần, chứa chất dịch trong hoặc hơi vàng; sau đó có thể đóng vảy, khô lại và rụng vảy. Thông thường, các triệu chứng sẽ kéo dài trong vòng 2 đến 4 tuần và tự biến mất không cần điều trị.
Theo WHO, trong đợt dịch bệnh đầu mùa khỉ gần đây, các ca bệnh được phát hiện đều không có lịch sử dịch tễ đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Đây có phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch có thể gia tăng trong thời gian tới hay không, thưa bà?
Đây là lần đầu tiên các ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện tại nhiều quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận bệnh này trước đây, đồng thời các ca bệnh này không có lịch sử đi về từ vùng dịch.
Các yếu tố góp phần vào việc lây truyền bệnh tại các nước không có dịch cần được hiểu rõ. Ưu tiên hàng đầu tại thời điểm này là ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Với việc các quốc gia tăng cường theo dõi tình hình bệnh và hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục, các ca bệnh có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Bệnh đậu mùa khỉ có cơ chế lây tương đồng với SARS-CoV-2, khi có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Xin bà cho biết, liệu có nguy cơ bệnh bùng phát ở khu vực châu Á hay không?
Bệnh đậu mùa khỉ và COVID-19 lây lan trong bối cảnh khác nhau và theo cách khác nhau.
Bệnh nhân đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm khi người mắc xuất hiện các triệu chứng (thường là từ hai đến bốn tuần). Một người có thể nhiễm bệnh khi có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân có triệu chứng, thông qua các nốt phát ban, chất dịch cơ thể (chẳng hạn như dịch, mủ hoặc máu từ vết thương trên da, nước bọt) hoặc vảy của tổn thương. Quần áo, ga trải giường, khăn tắm hoặc các đồ dùng như bát đĩa bị nhiễm mầm bệnh cũng có thể gây bệnh.
Trong khi đó, SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn đường hô hấp.
Dựa trên những gì chúng ta biết về loại virus này và phương thức lây truyền của nó, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ bùng phát trên diện rộng ở châu Á là thấp. Cũng không có bằng chứng cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan như virus corona. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm mọi cách để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực của hệ thống y tế công cộng nhằm phát hiện, ngăn chặn sự lây lan của bệnh này.
Vaccine đậu mùa thông thường có tác dụng với bệnh đậu mùa khỉ hay không? Nếu dịch bệnh bùng phát, việc cung ứng vaccine đậu mùa khỉ có lâm vào tình trạng khó khăn và khan hiếm hay không, thưa bà?
Tiêm phòng vaccine đậu mùa được chứng minh hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vaccine mới phòng bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ đã được phê duyệt nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
WHO tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ chế toàn cầu để đảm bảo tiếp cận công bằng các biện pháp đối phó (vaccine, điều trị, chẩn đoán) dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng.
Theo bà, các quốc gia khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam cần làm gì để phòng, chống cũng như hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong vì đậu mùa khỉ?
WHO khuyến nghị các quốc gia như sau:
Thứ nhất: Tăng cường giám sát và chuẩn bị cho công tác điều tra và truy vết; cảnh giác khi phát hiện trường hợp với các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ như nổi mụn nước hoặc mụn mủ bất thường, thường đi kèm với sốt, tại các cơ sở y tế và cộng đồng, bao gồm cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng khám sốt, sức khỏe tình dục và da liễu.
Thứ hai: Nâng cao nhận thức cộng đồng. Một người có các triệu chứng có thể là bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bệnh nhân, hãy tư vấn cán bộ y tế.
Du khách nên được khuyến khích thông báo tình trạng bệnh tật trong khi đi du lịch hoặc khi trở về với chuyên gia y tế, bao gồm thông tin về tất cả các chuyến du lịch gần đây và việc tiêm chủng.
Người dân và du khách đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh cần tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng), không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
Thứ ba: Bảo vệ nhân viên y tế và ngăn ngừa lây lan trong các cơ sở y tế. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi nhiễm hoặc được xác nhận mắc bệnh đậu khỉ nên được khuyến nghị để thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền tiêu chuẩn, qua giọt bắn và tiếp xúc.
Xin trân trọng cảm ơn bà
Thu Hương