Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Từ Thị Loan, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long chia sẻ: Thông qua hoạt động tôn vinh ngày hôm nay, Ban tổ chức mong muốn tiếp tục lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân; Cổ vũ, khuyến khích các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự, các cá nhân thực hành di sản văn hóa cùng đoàn kết tạo thành một khối thống nhất xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh; Kiến tạo một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp tục lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt Nam trên mọi miền đất nước.
Di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của văn hóa quốc gia, góp phần duy trì, củng cố và trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và quý giá do nhiều thế hệ tiền nhân để lại. Những di sản này cần tiếp tục giữ gìn bảo tồn và phát huy, trong đó hạt nhân nòng cốt là các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự, các nhà hoạt động xã hội, các nghệ nhân, doanh nhân đã tích cực đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, quảng bá di sản văn hóa quốc gia đến với bạn bè quốc tế.
Trải qua quá trình xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng, Ban Tổ chức chương trình đã lựa chọn giới thiệu, tôn vinh 60 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và công tác an sinh xã hội.
“Sự ghi nhận và biểu dương này là hoàn toàn xứng đáng với tấm lòng, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu được lựa chọn. Bên cạnh đó, sự kiện của chúng ta cũng nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, GS.TS Từ Thị Loan, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhấn mạnh.
Dương Chức