Mỗi ngày đi làm, chị Lương Thanh Hoa, ở quận Hà Đông, Hà Nội phải mất từ 30-45 phút để có thể di chuyển qua đường Tố Hữu và Lê Văn Lương, Hà Nội. Mỗi lần đến cơ quan, chị Hoa luôn trong tình trạng mệt mỏi: "Tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên ùn tắc theo hướng Hà Đông ra Hà Nội vào giờ cao điểm buổi sáng, hướng ngược lại vào buổi chiều. Mật độ giao thông quá đông, nhiều khi chỉ có nhích từng chút một. Đi lại vô cùng mệt mỏi".
Trục đường Lê Văn Lương chỉ dài chưa đầy 2km nhưng phải “gánh” tới gần 40 dự án chung cư cao tầng, trong khi trục đường Nguyễn Tuân dài chưa đầy 1km cũng có tới 20 dự án chung cư…
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích, sở dĩ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường này là do sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng đô thị chưa gắn với quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, công tác quản trị đô thị cũng còn nhiều hạn chế, chưa nắm được sự phát triển cơ học của dân số, thường xuyên có sự điều chỉnh quy hoạch nên dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 dù tăng gần 10% so với một thập kỉ trước đó, nhưng vẫn đạt thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, nhiều đô thị đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường…
Việc Ban Bí thư tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, làm thế nào để Việt Nam đạt mục tiêu 1.000 đô thị vào năm 2030, nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, mục tiêu phát triển đô thị là hướng tới sự bền vững: "Bộ Chính trị chỉ đạo phát triển đô thị không phải là bằng mọi giá mà phải phát triển bền vững, có đô thị nhưng phải là đô thị có môi trường sống tốt, tạo ra GDP, tạo ra nguồn lực về lao động, về kinh tế và cho người dân ở đô thị có thể sống tốt. Đô thị được thành lập phải đảm bảo yếu tố dân số đất đai, cũng như đô thị muốn khỏe mạnh muốn bền vững, đô thị xanh, thì đô thị phải hướng tới con người lấy con người làm trung tâm".
PGS TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Vụ trưởng Vụ hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, trước đây đã có một số Nghị quyết của Đảng dành một chương, mục hoặc tiểu mục đề cập một cách tổng quát về phát triển đô thị. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là Nghị quyết đầu tiên bàn về quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; nhìn nhận vai trò của công tác quy hoạch đô thị.
Theo ông Tiến nhấn mạnh, nếu Nghị quyết này được thực hiện và đưa vào cuộc sống sẽ tạo động lực phát triển cho hệ thống đô thị Việt Nam. Nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt mục tiêu về số lượng đô thị đã đề ra cho năm 2030. Tuy nhiên, các đô thị sẽ khó có thể đáp ứng được các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật nếu không có sự quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp chính quyền:
"Trong Nghị quyết cũng nêu, 100% các đô thị loại 3 trở lên phải hoàn thiện tiêu chí phân loại về cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa. Cái này chúng ta có thể đạt được vì lĩnh vực đó xã hội hóa. Tuy nhiên, nếu 100% các đô thị loại 3 đạt được tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật. Tôi cho rằng nếu không có sự quyết tâm vào cuộc, thay đổi nhận thức và huy động các nguồn lực thì tôi cho rằng cũng khó có thể đạt được", PGS TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của thế giới là 50%. Để Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa.
Nghị quyết 06 đưa ra những đột phá mới về quy hoạch. Đây là cơ sở để Việt Nam có thể thực hiện đồng bộ hệ thống luật và thực hiện phát triển đô thị bền vững. Ông Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, những điểm mới đáng chú ý trong 6 nhiệm vụ giải pháp quan trọng mà Bộ Chính trị đã đưa ra trong Nghị quyết là nội dung định hướng cho các địa phương, các Bộ, ngành triển khai thực hiện thời gian tới:
"Điểm đầu tiên là công tác hoàn thiện thể chế và các quy chuẩn tiêu chuẩn. Thứ hai để thực hiện nhiệm vụ đô thị hóa thì trung ương lần này thông qua những nhận diện tồn tại của công tác quy hoạch để nâng cao chất lượng quy hoạch, phải có tầm nhìn dài hạn hơn. Đây là một cái mới", TS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Còn chưa đầy 7 năm để thực hiện mục tiêu 1.000 đô thị, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa các mục tiêu thành những kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai, nhằm đảm bảo phát triển nhanh nhưng song hành chất lượng.
Có rất nhiều việc cần làm, nhưng điều kiện cần đầu tiên là trách nhiệm và sự quyết liệt của những người đứng đầu chính quyền đô thị. Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: "Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu".
Công tác quy hoạch là một công cụ, là định hướng liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị. Những bất cập trong công tác quy hoạch có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, chất lượng sống của người dân.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, công tác quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù, theo kế hoạch đặt ra, năm 2022, Việt Nam phải hoàn thành tất cả các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, nhưng thực tế, đến nay, Việt Nam mới thực hiện được 10%.
Với kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển quy hoạch và đô thị, Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 950 đô thị và 1.000 - 1.200 đô thị vào năm 2030. Tuy nhiên, phải làm gì để có thể đạt được mục tiêu này?
Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc.
Ngoài việc xây dựng và chuẩn hóa các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về đô thị hóa và phát triển bền vững trên phạm vi cả nước, từng Bộ, ngành, các địa phương cũng cần rà soát, sửa đổi và bổ sung những tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh, đô thị xanh phát triển bền vững; sớm xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh.
Các cấp chính quyền địa phương cần nhận thức được vai trò quan trọng của quá trình đô thị hóa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, để từ đó sớm xây dựng những chương trình hành động với lộ trình và kế hoạch cụ thể, phân công rõ ràng.
Mỗi địa phương cần bố trí nguồn lực để xây dựng những khung quy hoạch kiến trúc phù hợp với điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc lựa chọn thời điểm và những mô hình đô thị phát triển cần cân nhắc kỹ, đảm bảo phù hợp, không nên đặt mục tiêu trở thành đô thị bằng mọi giá khi chưa đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn mà pháp luật đã đề ra.
Quy hoạch xây dựng, quy hoạch kiến trúc, quy hoạch hạ tầng… có ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của các địa phương. Quy hoạch tốt có thể giúp các địa phương tránh được những rủi ro, những tác động tiêu cực đến giao thông, xây dựng. Bởi vậy, huy động nguồn lực xã hội hóa, hay thuê các chuyên gia, các tổ chức có kinh nghiệm thực hiện các quy hoạch đô thị cũng nên được tính đến.
Phát triển đô thị có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, cần đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung quy hoạch theo hướng có tiếp cận đa ngành, có tầm nhìn dài hạn và toàn diện, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị là nền tảng.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, phải đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, sử dụng hiệu quả giá trị đất đai để phát triển đô thị, tránh hiện tượng “lợi ích nhóm”. Quy hoạch giao thông đi trước quy hoạch xây dựng đô thị. Hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh quy hoạch. Những trường hợp cố tình vi phạm, gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của đô thị cần có những chế tài xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu.
Cần siết chặt các tiêu chí trong quá trình phân loại và nâng hạng đô thị, khắc phục triệt để tình trạng “nợ” tiêu chí khi xét nâng hạng.
Để Việt Nam có thể thực hiện được những mục tiêu có thêm hơn 100 đô thị vào năm 2030, thì các đô thị mới khi phát triển phải thực hiện tốt công tác quy hoạch và những tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra, tránh tình trạng phải điều chỉnh, sửa đổi gây tốn kém và có nhiều hệ lụy.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra phải thực hiện thường xuyên, gắn trách nhiệm của những người đứng đầu các địa phương đối với chất lượng phát triển đô thị của địa phương mình, dứt khoát không để xảy ra tình trạng phải đi giải quyết hậu quả của những đô thị bị lỗi từ thiết kế đến thi công mà trách nhiệm lại vẫn thuộc về…tập thể.
Hải Hà
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lam-gi-de-dat-muc-tieu-1000-do-thi-vao-nam-2030-a16347.html