Không khó ghi nhận cảnh thành thùng các xe thu gom rác phải cơi nới bằng những thanh gỗ để chứa rác, mà trên đó, rác thải chất cao như núi, không che chắn, tập kết trên khắp những tuyến phố nội đô Hà Nội như: Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Vũ trọng Khánh (quận Hà Đông), Đào Tấn (quận Ba Đình), Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), Yên Phụ (quận Tây Hồ), Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa)...
Do không được xử lý ngay sau khi thu gom, các điểm tập kết xe thùng thu gom rác này "chình ình" từ sáng đến tối, thậm chí các vị trí "cấm đổ rác" cũng trở thành những bãi rác lộ thiên, bừa bãi. Chưa kể, nước rác thải rỉ ra từ các xe rác này, đọng theo rãnh trên vỉa hè, dưới lòng đường, khiến người đi đường đều phải bịt mũi khi đi qua.
Không ít tuyến phố Hà Nội có những điểm vui chơi giải trí, đền chùa cổ kính, đáng lẽ là nơi thu hút khách tham quan du lịch, điểm sinh hoạt văn hóa tại khu dân cư, nhưng đang bị xe xe thùng thu gom rác thải tập kết bủa vây, khiến mọi người đều e ngại đến gần, gây bức xúc dư luận. Qua tìm hiểu, khối lượng rác thải Hà Nội hiện nay ước tính đã phát sinh gấp đôi so với 15 năm trước, trong đó có đến 60 - 70% là rác hữu cơ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vấn đề rác thải đô thị đang là bài toán khó với TP Hà Nội, nơi mật độ dân cư đông đúc nhất cả nước. Những năm qua, công tác thu gom, xử lý rác thải của thành phố mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Thủ đô. Không ít lần, ít nơi, hệ lụy của rác thải gây ô nhiễm đã tác động tiêu cực đến cuộc sống, sức khỏe người dân. Tìm hướng đi cho rác thải, chỉnh trang đô thị xanh sạch đẹp đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Có thực tế, trong khi lượng rác thải đô thị ngày càng tăng thì công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác... của các công ty môi trường đô thị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ, thì Hà Nội hiện chỉ có 3 khu vực xử lý rác thải chính là: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Phương thức xử lý rác thải ở các khu này chủ yếu là chôn lấp thủ công, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến như đốt rác, chuyển đổi rác thành năng lượng... Vì vậy, diện tích chôn lấp ngày càng bị thu hẹp, hạ tầng quá tải, còn lượng rác tồn đọng ngoài môi trường ngày càng nhiều.
Nhìn lại những lần phát sinh sự cố ứ đọng rác thải nội đô thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp “nóng” để tháo gỡ, như: Phân luồng rác thải về các khu xử lý khác; quây khu, bọc kín rác trong khi chờ xe đến vận chuyển... Song, mỗi lần như vậy lượng rác thải tồn đọng càng lớn, vừa gây ô nhiễm, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chỉnh trang đô thị của các cấp chính quyền cơ sở.
Về vấn đề này, theo ông Đặng Hữu Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn, nên việc triển khai gặp không ít khó khăn. Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, công ty đang phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội tổ chức các chương trình thu gom rác đổi quà tặng tại nhiều quận, huyện, nhằm từng bước nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân, phân loại rác thải tại nguồn ngày từ nhà, góp phần chung tay cùng thành phố chỉnh trang đô thị.
Thu gom, vận chuyển rác thải tại Hà Nội không phải là câu chuyện có thể giải quyết ngay ngày một ngày hai, nhưng đây hoàn toàn là bài toán có lời giải, khi có sự chung tay của người dân, đơn vị thu gom xử lý rác thải và cơ quan quản lý.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/rac-thai-lo-thien-tren-nhieu-tuyen-pho-guong-mat-thu-do-nhech-nhac-toi-bao-gio-a16252.html