Học Bác để sử dụng cán bộ cho tốt

Sinh thời, cán bộ là một trong những vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bác có những nhận xét, đánh giá hết sức đúng đắn về cán bộ; vị trí, vai trò của cán bộ. Từ đó, Người đã có quan điểm sâu sắc về công tác cán bộ, đặc biệt là sử dụng cán bộ cho tốt, nghĩa là phải khéo và khuyến khích cán bộ dám đổi mới, sáng tạo.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu khái niệm cán bộ lần đầu tiên khi Người về thăm tỉnh Thanh Hóa (20.2.1947) như sau: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

viewimage-1652889448.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2.1951. Ảnh tư liệu

Từ quan điểm này, Người đi đến khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đánh giá của Bác hết sức chính xác, đúng đắn; bởi trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, người cán bộ luôn có vai trò rất quan trọng. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có được triển khai hiệu quả trong thực tiễn hay không phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ cán bộ. Nếu không có cán bộ thì chủ trương, nghị quyết… chỉ nằm trên giấy, không thể thâm nhập vào đông đảo quần chúng, không biến thành sức mạnh vật chất (phong trào quần chúng rộng lớn), sự nghiệp cách mạng không thể thành công.

Đội ngũ cán bộ là “dây chuyền” gắn kết giữa quần chúng nhân dân với Đảng, với Nhà nước. “Dây chuyền” có vững chắc thì mới giúp cho mối quan hệ giữa Đảng,  Nhà nước với nhân dân thêm bền chặt.

Dụng nhân như dụng mộc

Đánh giá cao về đội ngũ cán bộ như vậy, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ, đặc biệt là việc sử dụng cán bộ cho tốt. Theo quan điểm của Bác, trước tiên phải khéo dùng cán bộ.

Để làm được như vậy, cần giải quyết mối quan hệ giữa đức và tài của cán bộ. Theo Bác, giữa đức và tài có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó đức là gốc. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Ngược lại, có tài mà không có đức thì không những vô dụng mà còn có hại.    

Đồng thời, phải lựa chọn, bố trí cán bộ theo phương châm “Dụng nhân như dụng mộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “…Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Quan điểm của Bác là hoàn toàn đúng đắn vì không có cán bộ nào việc gì cũng có thể làm được, cũng không có cán bộ nào không thể làm được bất cứ việc gì. Vì thế, tùy tài mà dùng người là phương châm xác đáng trong lựa chọn bố trí cán bộ, vừa đảm bảo đúng chuyên môn, vừa tạo điều kiện phát huy hết khả năng của cán bộ.

Một yêu cầu khác là cất nhắc, đề bạt cán bộ phải khách quan. Muốn vậy, theo Bác, phải “vì công tác, vì tài năng”, chứ không phải “vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang”. Nếu làm như vậy, thì “nhất định không ai phục, mà lại gây mối lôi thôi trong Đảng”, và còn là “… có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.

Bên cạnh khéo dùng cán bộ, còn phải khuyến khích cán bộ dám đổi mới, sáng tạo. Đổi mới, sáng tạo là một quá trình, là một cuộc cách mạng “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Tuy nhiên, phải thực hiện đúng theo chỉ dẫn của Bác: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Để làm được điều này, đòi hỏi rất cao vai trò của người cán bộ.

Thứ nhất, theo Bác, cán bộ phải hết sức năng động: Miệng nói, chân đi, mắt trông, tay làm. Tránh tình trạng: Chỉ tay năm ngón, thích khai hội, thích làm việc theo kiểu bàn giấy cho oai; đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc không chạy.

Thứ hai, cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tất nhiên, phải trên cơ sở tri thức khoa học. Cán bộ phải có tri thức để nhận thức rõ đúng, sai từ đó đi đến quyết định cái gì nên bỏ, cái gì nên sửa đổi và cái gì nên giữ lại. Chỉ có như vậy, việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới mang lại hiệu quả tích cực, tránh cực đoan, cảm tính, theo ý chí chủ quan của người lãnh đạo.         

Thứ ba, cán bộ phải dám đột phá. Tức là phải mạnh dạn quyết định lựa chọn cái mới, cái hay và quyết tâm làm bằng được. Điều này, ngoài tri thức, đòi hỏi cán bộ còn phải có bản lĩnh. Bởi vì, cái mới dù hay, dù đúng cũng phải có thời gian kiểm nghiệm và không dễ thuyết phục người khác chấp nhận, làm theo.

* * *

Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm hết sức đúng đắn, khách quan về công tác cán bộ. Những lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho công tác cán bộ của Đảng ta.

Thời gian qua, Đảng ta nhìn chung đã thực hiện khá tốt công tác cán bộ nói chung, quy hoạch, luân chuyển cán bộ nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có chỗ, có nơi còn nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác cán bộ; không giải quyết đúng mối quan hệ đức - tài; bố trí cán bộ không đúng chuyên môn... Do đó, chưa phát huy hết khả năng của cán bộ, hoặc cán bộ không đảm đương nổi trách nhiệm được giao.

Tiếp tục vận dụng những chỉ dẫn quý báu của Bác để chuẩn bị nhân sự cho công tác cán bộ nói chung, quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025, 2025 - 2030 và thực hiện luân chuyển cán bộ theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28.4.2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ nói riêng, là hết sức cần thiết và cấp thiết.

 

LÊ VĂN MINH

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoc-bac-de-su-dung-can-bo-cho-tot-a16120.html