Quan tâm đến việc làm
Hiện nay, lực lượng lao động trên cả nước từ 15 tuổi trở lên là gần 51 triệu người, trong đó có hơn 24 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong số này có hơn 14 triệu công nhân, lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, chiếm khoảng 17% tổng lực lượng lao động của cả nước. Mỗi năm lực lượng này tạo ra khối lượng của cải lớn cho xã hội.
Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động bị đứt gãy. Nhiều công nhân, lao động bị mất việc làm, giãn việc, nghỉ việc. So với quý IV/2021, số người thiếu việc làm quý I/2022 là 1,3 triệu người, giảm 135.200 người, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm. Theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường lao động phục hồi cơ bản nhưng tỷ lệ lao động mất việc làm vẫn cao nhất trong 10 năm qua.
Chính bởi vậy, vấn đề tạo việc làm bền vững cho người lao động trở thành vấn đề "nóng" được nhiều lao động quan tâm. Để hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cả trực tiếp và gián tiếp. Trong đó phải kể tới các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ tái đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động… nhằm giúp lao động tìm kiếm được việc làm bền vững. Có việc làm đời sống công nhân lao động mới được ổn định.
Tiền lương thấp với nhiều lao động
Theo khảo sát nhỏ của Viện Công nhân, công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiền lương trung bình tháng của công nhân lao động chỉ đạt 4,9 triệu đồng/người. Mức lương này trong 2 năm qua hầu như không tăng, tiền lương đã không còn đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách và pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương là vấn đề được công nhân lao động quan tâm nhất lúc này. Tiền lương thấp khiến đời sống công nhân, lao động không được đảm bảo.
Do đó, theo ông Lê Đình Quảng, vấn đề tăng lương tối thiểu vùng sớm được giải quyết nhằm tạo động lực cho công nhân, lao động yên tâm lao động, gắn bó với doanh nghiệp.
Chậm cải thiện một số vấn đề an sinh
Khảo sát năm 2020 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, có tới 66% công nhân hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt, 23% công nhân đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan. Sự hài lòng đối với cuộc sống của công nhân lao động nhìn chung đã được cải thiện, nhưng còn ở mức trung bình.
Viện Công nhân và Công đoàn đã tiến hành điều tra, khảo sát về đời sống của công nhân lao động, kết quả cho thấy có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá và 34% cho biết thỉnh thoảng bữa ăn có thịt cá, 41% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền.
Đặc biệt, đối với lao động nhập cư phải thuê nhà để ở, sử dụng điện nước với giá kinh doanh của chủ nhà trọ. Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên, thậm chí hàng tháng phải đi vay tiền, 35,6% người lao động thỉnh thoảng phải đi vay. Bên cạnh đó, nhiều người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho biết, thống kê cho thấy có đến 17,4% người lao động đang có con dưới 18 tuổi tham gia khảo sát cho biết hiện tại con đang không ở cùng bố mẹ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là tiền lương và thu nhập không đủ để đảm bảo cuộc sống cho con cái vì họ không đủ tiền để gửi trẻ hoặc cho con đi học tại địa phương nơi làm việc. Hơn 58,9% người lao động được khảo sát cho biết tiền lương không đủ để đảm bảo đầy đủ chi phí học hành cho con cái. Đối với nhóm người lao động có trên 2 con thì có tới hơn 67,4% trả lời như vậy.
Lương thấp, không có nhà nên nhiều công nhân phải đi thuê trọ. Để tiết kiệm chi phí nhiều công nhân chọn ở trong những phòng trọ chật chội, giá rẻ. Đây là một trong những vấn đề “nóng” với nhiều lao động di cư.
Trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của công nhân, lao động.
Để khôi phục thị trường lao động, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hỗ trợ tiền thuê nhà nhà trọ. Tiếp nữa trao cơ chế để cấp Công đoàn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu thiết chế dành cho công nhân lao động, trong đó có vấn đề xây dựng nhà ở, nhà trẻ... cho công nhân và con em của họ nhưng việc triển khai còn chậm.
Theo ông Lê Đình Quảng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng nhà xã hội gắn bó lâu dài với địa phương đến làm việc, còn việc hỗ trợ tiền thuê nhà chỉ là giải pháp trước mắt.
Báo cáo của Tổng liên đoàn lao động cho thấy, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân, lao động với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 116 dự án với khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.
XM
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-van-de-cong-nhan-lao-dong-quan-tam-can-som-duoc-giai-quyet-a16101.html