Toàn thành phố Đà Lạt hiện có khoảng trên 5.300 đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định 136 của Chính phủ về “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội”. Trong đó, có khoảng 3.334 đối tượng 80 tuổi trở lên không có lương hưu, chiếm tỷ lệ 62,19%; 22 trẻ em mồ côi, 898 đối tượng khuyết tật nặng…
Tại thành phố Đà Lạt, thực hiện Nghị định 136 của Chính phủ, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đều quan tâm lãnh chỉ đạo, phối hợp triển khai đạt nhiều kết quả. Thống kê sơ bộ giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí cho hoạt động trợ cấp xã hội là trên 112 tỷ đồng, trong đó, chi trợ cấp thường xuyên hằng tháng là khoảng 103 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ khác cho các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND thành phố Đà Lạt: Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn thành phố có 4.986 đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức dạy nghề cho 55 đối tượng khuyết tật. Sau khi đào tạo 100% các đối tượng học nghề đều có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống, tạo nghị lực và niềm tin cho các đối tượng xã hội tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Phía thành phố Đà Lạt đã tạo điều kiện thuận lợi về thực hiện đăng ký kinh doanh, hỗ trợ mặt bằng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếp nhận lao động là người khuyết tật. Nhờ đó, một số cơ sở sản xuất kinh doanh do người khuyết tật làm chủ đã hoạt động rất hiệu quả, giúp tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác. Về các đối tượng trẻ mồ côi, thành phố có 5 gia đình nhận chăm sóc nuôi dưỡng 5 trẻ mồ côi, qua đó giúp các em có thêm tình yêu thương và điều kiện để vươn lên học tập tốt, để trở thành công dân có ích dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu thốn.
Bên cạnh việc thực hiện chi trả chính sách đầy đủ cho các đối tượng xã hội, thì việc kêu gọi xã hội hóa thực hiện từ thiện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn cũng được MTTQ thành phố Đà Lạt quan tâm phát động, vận động. Trong giai đoạn 2016 - 2021 thành phố đã vận động được gần 500 triệu đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các đối tượng bảo trợ xã hội là người khuyết tật, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Về chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện nay đã được thực hiện chi trả qua hệ thống Bưu điện thành phố. Được biết, hàng năm Phòng Lao Động - Thương binh và Xã hội Đà Lạt đều có chương trình kế hoạch phối hợp với phường, xã thực hiện hậu kiểm đối với hoạt động chi trả trợ cấp xã hội của Bưu điện thành phố theo hợp đồng dịch vụ chi trả, hướng đến đảm bảo chính xác, kịp thời, đảm bảo sự hài lòng của người dân.
Mặt khác, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chi trả trợ cấp xã hội đảm bảo thường xuyên cập nhật, bổ sung đối tượng mới phát sinh hoặc các đối tượng thay đổi điều kiện thụ hưởng và mức trợ cấp kịp thời. Bảo đảm không để sót đối tượng trong diện được chi trả trợ cấp theo Nghị định 136 của Chính phủ.
Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND thành phố nhận thấy thực tế còn những hạn chế như: Một số nội dung tham mưu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội theo Nghị định 136 của Chính phủ trên địa bàn thành phố đôi lúc còn chưa đầy đủ. Việc kiểm tra, rà soát, quản lý các nhóm đối tượng xã hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng đột xuất còn thấp. Trợ cấp giáo dục, dạy nghề còn ít về số lượng và chưa mở rộng đối tượng thụ hưởng. Công tác tuyên truyền về chính sách trợ giúp xã hội chưa sâu rộng tới các khu dân cư.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này, thời gian tới, cơ quan chức năng phòng, ban chuyên môn trên địa bàn thành phố Đà Lạt cần tăng cường hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các phường, xã trong việc rà soát, xác định và thống kê, quản lý đối tượng chặt chẽ. Tổ chức thực hiện chính sách chi trả trợ giúp xã hội đảm bảo nghiêm theo quy định hiện hành. Kịp thời đề xuất mở rộng một số đối tượng thụ hưởng theo thực tế địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm vận động, kêu gọi xã hội hóa trong trợ giúp xã hội; qua đó hướng đến đảm bảo tốt nhất công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng đang gặp khó khăn.
Nguyệt Thu
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hdnd-thanh-pho-da-lat-phat-huy-vai-tro-giam-sat-thuc-hien-chinh-sach-xa-hoi-a16073.html