Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS, THPT.
Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, SGK phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự.
Cụ thể, năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai với lớp đầu cấp THCS và năm thứ ba với lớp đầu cấp THPT. Hoàn thành quá trình áp dụng chương trình, SGK mới sau 5 năm kể từ năm bắt đầu triển khai.
Lộ trình cụ thể: sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019 - 2020 đối với lớp đầu cấp tiểu học, từ năm học 2020 - 2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở và từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp đầu cấp của trung học phổ thông.
Theo lộ trình này, sẽ có thêm thời gian cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ban quản lý chương trình hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học để đảm bảo đạt tiến độ này, đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước ngày 12/1/2018; có kế hoạch biên soạn sách trình Bộ trưởng ký ban hành trước ngày 31/1/2018.
Song song với đó, Bộ đề nghị các trường sư phạm lựa chọn, lập danh sách giảng viên trẻ, có năng lực để Bộ cử đi nước ngoài đào tạo chuyên gia về phát triển chương trình giáo dục phổ thông, gửi danh sách về bộ trước ngày 30/6/2018.
Tạo điều kiện để đảm đáp ứng được yêu cầu này, ngành giáo dục sẽ điều chỉnh Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đề xuất nguồn vốn trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện đề án.
Trước đó, mặc dù Quốc hội cho phép lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tối đa 2 năm, nhưng Bộ GD&ĐT đang quyết tâm chỉ lùi một năm.
Tình Thương
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bo-gddt-lay-y-kien-nhan-dan-ve-ap-dung-chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-a1606.html