Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động có ý nghĩa hết sức thiết thực và nhân văn sâu sắc, huy động đông đảo các tầng lớp trong xã hội cùng chung tay chăm lo giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.
Ngay sau khi Trung ương Hội triển khai cuộc vận động (01/2008) Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai đã tham mưu với Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo thực hiện cuộc vận động.
Qua đó Tỉnh ủy giao Ban Dân vận tỉnh ủy theo dõi việc thực hiện Cuộc vận động; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động; Các cơ quan Báo Lào Cai, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và hệ thống thông tin đại chúng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung, kết quả và các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện cuộc vận động.
Bước đầu triển khai khảo sát, lập hồ sơ đối tượng, địa chỉ cần trợ giúp. Song số lượng địa chỉ cần được trợ giúp lớn, ngay một lúc không thể vận động trợ giúp và đỡ đầu được, bởi vậy Ban thường vụ Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nghiên cứu, bàn bạc đi đến thống nhất, lựa chọn đối tượng trẻ mồ côi và người già cô đơn không nơi nương tựa làm mô hình điểm. Chọn huyện Bát Xát (địa phương nhiều đối tượng trẻ mồ côi nhất) và Hội Chữ thập đỏ khối Các cơ quan (đơn vị có điều kiện) làm điểm.
Nhận thấy đây là hoạt động phù hợp với chủ trương xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, Huyện ủy Bát Xát đã đưa nội dung triển khai chỉ đạo cuộc vận động vào Nghị quyết của huyện, để thống nhất chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc.
UBND huyện có văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành trong huyện và UBND các xã, thị trấn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để triển khai thực hiện cuộc vận động, đồng thời đưa tiêu chí thực hiện cuộc vận động vào nội dung thi đua hàng năm của huyện, làm căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua. Giao cho Hội Chữ thập đỏ huyện là cơ quan thường trực triển khai và thực hiện cuộc vận động, thường xuyên báo cáo kết quả cuộc vận động, cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện với huyện ủy, UBND huyện.
Từ những chủ chương đó, và căn cứ theo hồ sơ đối tượng đã được khảo sát, hội Chữ thập đỏ huyện đến từng cơ quan, doanh nghiệp để vận động, giới thiệu từng địa chỉ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức. Vận động các cơ quan, đơn vị dưới 15 biên chế nhận đỡ đầu 1 trẻ mồ côi, từ 15 biên chế trở lên nhận đỡ đầu tối thiểu 02 trẻ mồ côi, đối với các doanh nghiệp vận động tùy tâm.
Số tiền giúp đỡ ban đầu 200.000-300.000đ/đối tượng/tháng, về sau nâng lên từ 300.000-500.000 đồng/tháng hoặc 15-20 kg gạo/tháng tùy theo từng điều kiện của từng cơ quan. Thời gian nhận đỡ đầu, giúp đỡ các cháu đến khi học hết cấp THCS, cũng có nhiều trường hợp cơ quan, cá nhân nhận cam kết đỡ đầu trẻ từ 3-4 tuổi đến hết học THPT.
Ngoài mức hỗ trợ hàng tháng, các đơn vị đỡ đầu còn tổ chức đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng trong các dịp lễ tết, đầu năm học để động viên các cháu kịp thời. Do được các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu và hỗ trợ hàng tháng nên điều kiện ăn ở, học tập của các cháu đã được cải thiện, các cháu được động viên, chia sẻ giảm bớt khó khăn nên đỡ mặc cảm với điều kiện hoàn cảnh của mình vươn lên cố gắng trong học tập, có 38 cháu do khó khăn phải bỏ học trên địa bàn huyện sau khi được nhận đỡ đầu đã quay lại trường để tiếp tục theo học.
Qua quá trình vận động, đã có 100% các cơ quan, phòng ban và doanh nghiệp trong huyện nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, một số cơ quan có điều kiện nhận đỡ đầu 4-5 trẻ mồ côi... 100% các đồng chí lãnh đạo từ phó phòng, ban, ngành trở lên trong huyện đều nhận đỡ đầu trẻ mồ côi.
Thông qua cuộc vận động đã có 576 tập thể, cá nhân đến trực tiếp nhận đỡ đầu 1.493 trẻ mồ côi, các em học sinh đặc biệt khó khăn và người già cô đơn không nơi nương tựa, với tổng trị giá trực tiếp hỗ trợ là 5,1 tỷ đồng.
Đối với Hội Chữ thập đỏ khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy đưa tiêu chí đánh giá hoạt động Chữ thập đỏ làm căn cứ đánh giá tổ chức Đảng hằng năm. Căn cứ theo sự phân công của tỉnh, các đồng chí cấp trưởng, cấp phó các sở, ngành, đoàn thể phụ trách 01 xã xây dựng nông thôn mới, Hội Chữ thập đỏ của cơ quan tham mưu, phối hợp cùng với địa phương, khảo sát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo và thực hiện đỡ đầu, trợ giúp đối tượng tại xã mà ngành phụ trách. Qua đó 100% các sở ngành cấp tỉnh đều nhận đỡ đầu từ 01-03 trẻ mồ côi trở lên, có nhiều sở ngành cấp tỉnh nhận đỡ đầu trên 20 lượt trẻ mồ côi. Khi hoàn thành cam kết đỡ đầu, các cơ quan, doanh nghiệp lại tiếp tục nhận đỡ đầu đối tượng khó khăn mới. Toàn khối Các cơ quan tỉnh đã đỡ đầu, trợ giúp trên 700 đối tượng, trị giá trên 1,5 tỷ đồng.
Qua đánh giá, nhân rộng mô hình, đến nay 9/9 huyện, thành phố và 03 đơn vị trực thuộc đều triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, các đối tượng trẻ mồ côi và người già cô đơn không nơi nương tựa trên địa bàn toàn tỉnh đã được trợ giúp và đỡ đầu. Trong 10 năm qua các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai đã và đang vận động giúp đỡ 8.126 địa chỉ nhân đạo, trong đó: Đỡ đầu trẻ mồ côi 2.163 trẻ; trợ giúp 5.331 người khuyết tật, nạn nhân da cam, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; Trợ giúp 632 người già cô đơn không nơi nương tựa.
Từ khi được triển khai đến nay, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai đã khơi gợi, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của cán bộ và nhân dân các dân tộc. Hiệu quả từ mô hình vận động nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hội CTĐ Lào Cai
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/sang-tao-trien-khai-ho-tro-dia-chi-nhan-dao-a16009.html