Trên 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh

Hiện toàn quốc còn trên 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh (quy chuẩn Việt Nam), còn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học...

Ngày 30/11, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg nhằm đánh giá lại chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường sau 16 năm thực hiện. 


Công trình nâng cấp, sửa chữa cấp nước sạch cho người dân xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Ảnh minh họa: Đức Thọ/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân.
“Trước nhu cầu của nước sạch và vấn đề môi trường nông thôn ngày càng bức thiết, các chính sách tín dụng, việc huy động vốn trong dân, tổ chức tuyên truyền, thực hiện cần phải có sự đổi mới, quan tâm sâu sắc hơn nữa của các bộ, ngành liên quan, cấp chính quyền địa phương, người dân tham gia, nâng cao ý thức trong tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, hiện, toàn quốc còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh (quy chuẩn Việt Nam), còn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu (nhà vệ sinh) không hợp vệ sinh, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học… Do đó, các cấp, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường ở các hộ gia đình, nơi công cộng, trường học, quan tâm đến môi trường, cảnh quan; tiêu thoát, chống ô nhiễm nước thải, rác thải…
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ khi có Quyết định 62, từ năm 2004 đến nay, cả nước đã có trên 6,5 triệu lượt hộ vay chương trình tín dụng để làm công trình nước sạch, gần 6,3 triệu hộ vay làm công trình vệ sinh gia đình, như nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi, bể biogas… đã góp phần tăng thêm 30% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 19,5% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi đánh giá, việc triển khai chương trình đã cải thiện đáng kể về điều kiện sống của bà con nhân dân vùng nông thôn, khi hiện có 88,5% người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 51% người dân sử dụng đạt quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) và hơn 75% dân số nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tuy vậy, việc cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn khi hiện nay vẫn còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước đạt Quy chuẩn kỹ thuật, hàng triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, hàng triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học.
Cùng với đó là những thức thách của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập, ô nhiễm chất lượng nguồn nước ngày càng tăng, nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế so với nhu cầu, năng lực và nguồn lực kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn yếu…
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra các giải pháp xoay quanh các vấn đề về hoàn thiện thể chế chính sách trong cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, tập trung và ưu tiên đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở, hoàn thiện các hệ thống cấp nước, công trình vệ sinh theo hướng hiện đại, đồng bộ, thuận lợi trong quản lý, vận hành để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.
Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng cần tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm quản lý về nước sạch và vệ sinh môi trường; tiếp tục chính sách tín dụng và mở rộng đối tượng được vay ưu đãi cho người dân; cụ thể hóa và minh bạch nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn…

Trung Hiếu (TTXVN)

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/tren-30-trieu-nguoi-dan-nong-thon-chua-duoc-su-dung-nuoc-hop-ve-sinh-20201130131703800.htm

 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tren-30-trieu-nguoi-dan-nong-thon-chua-duoc-su-dung-nuoc-hop-ve-sinh-a160.html