Quy tắc ứng xử trong ứng phó với thảm họa

(NĐ&ĐS) - Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các Tổ chức phi chính phủ (NGO) đã đề ra quy tắc ứng xử trong các chương trình ứng phó với thảm họa.

Nhu cầu nhân đạo là trên hết

Quyền được tiếp nhận trợ giúp nhân đạo và được cung cấp trợ giúp nhân đạo, đó là một nguyên tắc nhân đạo cơ bản mà tất cả các công dân của các nước cần có. Là thành viên của cộng đồng quốc tế, chúng ta nhìn nhận nghĩa vụ của mình là cung cấp trợ giúp nhân đạo ở bất kỳ nơi nào cần đến sự trợ giúp này. Do vậy, chúng ta có nhu cầu không bị ngăn cản khi tiếp cận những nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi thảm họa; điều đó có ý nghĩa quan trọng căn bản trong việc thực thi trách nhiệm trợ giúp nhân đạo. Động cơ chính của chúng ta khi ứng phó thảm họa là giảm thiểu nỗi đau khổ cho những người có ít khả năng nhất để đứng vững trước sự căng thẳng do thảm họa gây ra. Khi chúng ta cung cấp trợ giúp nhân đạo, đó không phải là một hành động mang tính đảng phái hay chính trị, và không được phép nhìn nhận sự trợ giúp nhân đạo như vậy.

01 2
Động cơ chính khi ứng phó thảm họa là giảm thiểu nỗi đau khổ cho những người có ít khả năng nhất đứng vững trước sự căng thẳng do thảm họa gây ra. Ảnh minh họa

Cung cấp cứu trợ không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay quốc tịch của người nhận viện trợ và không có sự ngược đãi dưới bất kỳ hình thức nào. Ưu tiên cung cấp cứu trợ chỉ dựa trên cơ sở nhu cầu.

Bất cứ ở đâu có thể, chúng ta sẽ cung cấp cứu trợ trên cơ sở đánh giá một cách thấu đáo nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa và khả năng hiện có tại chỗ để đáp ứng nhu cầu đó. Trong toàn bộ các chương trình của mình, chúng ta sẽ luôn tính đến sự cân xứng. Cần phải giảm nhẹ nỗi đau khổ của con người ở bất kỳ nơi nào xảy ra nỗi đau khổ đó; mạng sống của con người ở vùng này cũng quý giá như ở vùng khác. Do đó, chúng ta sẽ cung cấp cứu trợ tùy theo mức độ đau khổ mà nguồn cứu trợ đó có mục đích giảm nhẹ. Khi thực hiện phương pháp tiếp cận này, chúng ta nhìn nhận vai trò hết sức quan trọng của phụ nữ trong các cộng đồng thường xuyên xảy ra thảm họa và bảo đảm rằng các chương trình cứu trợ của chúng ta sẽ hỗ trợ, chứ không làm suy giảm, vai trò của phụ nữ. Việc thực thi chính sách toàn cầu, vô tư và độc lập như vậy chỉ có hiệu quả nếu chúng ta và các đối tác được tiếp cận các nguồn lực cần thiết để cung cấp cứu trợ cũng như được tiếp cận những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa một cách bình đẳng.

Không sử dụng viện trợ để thực hiện một quan điểm chính trị hay tôn giáo riêng biệt nào

Viện trợ nhân đạo sẽ được cung cấp theo nhu cầu của các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Mặc dù các NGHA có quyền tán thành một quan điểm chính trị hay tôn giáo nào đó, nhưng chúng ta khẳng định rằng viện trợ sẽ không phụ thuộc vào việc những người tiếp nhận viện trợ có chấp nhận quan điểm đó hay không. 

Quy tắc ứng xử Hiến chương Nhân đạo và các Tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo sẽ không ràng buộc lời hứa hẹn, việc cung cấp hay phân phát viện trợ vào việc tán thành hay chấp nhận bất kỳ quan điểm chính trị hay tôn giáo nào.

Chúng ta sẽ nỗ lực để không hành động như là những công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của chính phủ

Các NGHA là những tổ chức hành động độc lập với chính phủ. Do đó, chúng ta xây dựng chính sách và biện pháp thực hiện của mình và không thực hiện chính sách của bất kỳ chính phủ nào, trừ phi việc thực hiện chính sách đó trùng hợp với chính sách độc lập của chính chúng ta.

Chúng ta sẽ không bao giờ - một cách hữu ý hay vô tình – cho phép bất kỳ ai sử dụng chúng ta và nhân viên của chúng ta để thu thập thông tin mang tính nhạy cảm về chính trị, quân sự hay kinh tế cho các chính phủ hay các tổ chức khác, nhằm phục vụ những mục đích khác với những mục đích nhân đạo thuần túy; chúng ta cũng không hành động như những công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của các chính phủ tài trợ.

Chúng ta sẽ sử dụng nguồn viện trợ chúng ta nhận được để đáp ứng nhu cầu của người dân và nguồn viện trợ này sẽ không bị chi phối bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dư thừa của nhà tài trợ cũng như không bị chi phối bởi quyền lợi chính trị của bất kỳ nhà tài trợ nào.

Chúng ta quý trọng và khuyến khích việc tự nguyện cống hiến sức lao động và tài chính của các cá nhân liên quan để hỗ trợ công việc của chúng ta và ghi nhận sự độc lập hành động được thúc đẩy bởi động cơ tự nguyện đó. Để bảo vệ sự độc lập của mình, chúng ta sẽ nỗ lực để tránh bị lệ thuộc vào một nguồn tài trợ duy nhất.

Chúng ta sẽ tôn trọng văn hóa và tập quán

Chúng ta sẽ nỗ lực tôn trọng nền văn hóa, các cấu trúc và các tập quán của các cộng đồng và đất nước nơi chúng ta đang làm việc.

Chúng ta sẽ cố gắng phát huy năng lực địa phương trong việc thực hiện hoạt động ứng phó với thảm họa

Tất cả người dân và cộng đồng – ngay cả trong tình huống thảm họa - đều có những năng lực cũng như điểm yếu nhất định. Trong trường hợp có thể, chúng ta sẽ tăng cường những năng lực này bằng cách tuyển dụng nhân viên địa phương, mua sắm vật tư địa phương và mua bán với các công ty địa phương. Trong trường hợp có thể, chúng ta sẽ làm việc thông qua các NGHA và các đối tác địa phương trong việc lập kế hoạch và thực hiện, và sẽ hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương nếu thấy thích hợp. Chúng ta sẽ dành ưu tiên cao cho việc phối hợp các hoạt động ứng phó của chúng ta. Việc phối hợp có thể làm tốt nhất với các nước có liên quan bởi những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động cứu trợ và cần có sự tham gia của các tổ chức LHQ liên quan.

Chúng ta sẽ tìm mọi cách để thu hút sự tham gia của những người hưởng lợi chương trình vào việc quản lý viện trợ tại hiện trường

Viện trợ ứng phó với thảm họa không bao giờ được áp đặt lên người hưởng lợi.

Viện trợ có hiệu quả và phục hồi bền vững có thể được thực hiện tốt nhất ở những nơi mà người hưởng lợi được tham gia vào quá trình thiết kế, quản lý và thực hiện chương trình viện trợ. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức mình để huy động sự tham gia đầy đủ của cộng đồng vào các chương trình cứu trợ và phục hồi của chúng ta.

Cứu trợ cần góp phần giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước thảm họa cũng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản

Tất cả các hoạt động cứu trợ đều ảnh hưởng đến triển vọng của công cuộc phát triển lâu dài, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ phấn đấu để thực hiện các chương trình cứu trợ có thể tích cực góp phần giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của người hưởng lợi trước những thảm họa tương lai và góp phần tạo nên các phương cách sống bền vững. Chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến các vấn đề môi trường trong việc thiết kế, quản lý và thực hiện các chương trình cứu trợ. Chúng ta cũng sẽ cố gắng để giảm thiểu tác động tiêu cực của viện trợ nhân đạo và tránh sự phụ thuộc lâu dài của người hưởng lợi vào nguồn viện trợ từ bên ngoài.

Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm giải trình trước những người mà chúng ta trợ giúp cũng như những người mà chúng ta tiếp nhận các nguồn viện trợ

Chúng ta thường đóng vai trò đầu mối liên kết về mặt thể chế trong mối quan hệ đối tác giữa những người mong muốn trợ giúp và những người cần sự trợ giúp trong các tình huống thảm họa. Do đó, chúng ta tự buộc mình phải chịu trách nhiệm giải trình trước cả hai nhóm đối tác này. Tất cả những giao dịch của chúng ta với nhà tài trợ và người hưởng lợi sẽ phản ánh thái độ công khai và minh bạch.

Chúng ta chấp nhận sự cần thiết phải báo cáo về các hoạt động của mình, về mặt tài chính cũng như về mặt hiệu quả. Chúng ta chấp nhận trách nhiệm phải giám sát sát sao việc phân phối viện trợ cũng như thường xuyên đánh giá tác động từ nguồn viện trợ để ứng phó thảm họa.

Chúng ta sẽ cố gắng báo cáo một cách công khai về tác động của công việc chúng ta làm cũng như các yếu tố hạn chế và (hoặc) tăng cường tác động đó. Các chương trình của chúng ta sẽ được dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn cao về tính chuyên nghiệp và kiến thức chuyên môn, qua đó để giảm thiểu sự lãng phí các nguồn lực quý giá.

Trong các hoạt động thông tin, quảng bá và quảng cáo của mình, chúng ta sẽ nhìn nhận những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa là những con người có nhân phẩm, chứ không phải là những con người tuyệt vọng

Chúng ta không bao giờ mất đi sự tôn trọng đối với những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa như một đối tác bình đẳng trong hành động. Trong công tác thông tin, chúng ta sẽ mô tả hình ảnh khách quan về tình hình thảm họa, nêu bật những năng lực cũng như nguyện vọng của những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa chứ không chỉ những điểm yếu và nỗi lo sợ của họ. Trong khi chúng ta hợp tác với các cơ quan truyền thông để nâng cao ý thức ứng phó của người dân, chúng ta sẽ không cho phép nhu cầu quảng bá, từ bên ngoài hay từ nội tại, được ưu tiên nhiều hơn nguyên tắc sử dụng tốt nhất nguồn lực cứu trợ. Chúng ta sẽ tránh tình trạng cạnh tranh với các tổ chức khác tham gia ứng phó với thảm họa về diện đưa tin trên báo chí trong các tình huống ở đó diện đưa tin có thể gây hại cho sự hỗ trợ người hưởng lợi, cho an ninh của nhân viên chúng ta, hay cho người hưởng lợi.

B.Tuấn

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quy-tac-ung-xu-trong-ung-pho-voi-tham-hoa-a15997.html