Giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số

(NĐ&ĐS) - Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là chủ đề chính của hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ,” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tổ chức AEA Việt Nam, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi đồng tổ chức tại Hà Nội.

 GD song nguQuang cảnh hội thảo. 

Vừa qua, gần 60 đại biểu đến từ phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Văn phòng Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu; các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự đã tham gia trao đổi ý kiến tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ”.

Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là chủ đề chính của hội thảo, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), Aide et Action Việt Nam (AEA), Viện Tư vấn Phát triển kinh tế - xã hội - nông thôn và miền núi (CISDOMA) đồng tổ chức.

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em DTTS và khó khăn ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”, do các đơn vị nói trên thực hiện, được triển khai trong 3 năm (2016-2018).

Đưa ra đánh giá về việc nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em DTTS thông qua phát triển ngôn ngữ, TS Hà Đức Đà - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: Đây là việc làm quan trọng. Cần có thời gian, và cần có sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức.

Hơn 18 tháng qua, dự án được triển khai tại 3 xã Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu), đã thí điểm áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ huynh và của trẻ vào hoạt động giáo dục, thông qua một loạt các hoạt động như hưởng ứng tuần lễ giáo dục toàn cầu, giờ sinh hoạt ngoại khóa tại trường, các cuộc sinh hoạt chi bộ phụ huynh mở rộng hàng tháng…

Song ngu 2
Giáo dục song ngữ cần có thời gian, và có sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức.
(Ảnh minh họa).

Áp dụng phương pháp giáo dục sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt trong việc dạy và học tại trường, dự án đã xây dựng thí điểm bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Mông.

Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn, được giáo viên địa phương ở các trường mầm non và tiểu học huyện Tam Đường sáng tác, biên soạn. Những câu chuyện ấy phản ánh được cuộc sống hằng ngày của trẻ em và cộng đồng người Mông tại Lai Châu; được lồng ghép vào chương trình sinh hoạt ngoài giờ lên lớp của trẻ với sự hỗ trợ điều hành của các thầy, cô giáo có kỹ năng chuyên môn tốt về sử dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm.

Theo nghiên cứu của ông Đà, đã có 8 chương trình, 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc dạy học trong trường phổ thông được Bộ GD&ĐT ban hành; một số nghiên cứu về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS được triển khai thực hiện và thí điểm ở vùng DTTS như: Phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, Tiếng Việt của em, Giao lưu tiếng Việt…

Tuy nhiên, để giúp trẻ em DTTS có thể học tốt được, có chất lượng tiến kịp miền xuôi còn là thách thức.

Tình Thương

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giao-duc-song-ngu-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so-a1597.html