Những biểu hiện lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ

(NĐ&ĐS) - Luật Nhân đạo quốc tế đã chỉ rõ Biểu tượng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ là then chốt của tất cả các hoạt động nhân đạo. Bất kỳ sử dụng biểu tượng nào mà không được Luật Nhân đạo Quốc tế cho phép đều bị coi là lạm dụng biểu tượng.

Các nước tham gia Công ước Giơ-ne-vơ đều phải cam kết áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt việc lạm dụng biểu tượng cả trong thời chiến và thời bình; đồng thời phải ban hành các quy định về việc tôn trọng biểu tượng.

bieu-tuong-3
Vẫn còn các cơ sở thương mại, hiệu thuốc, bác sĩ tư nhân, các tổ chức phi chính phủ... chiếm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ

Thông thường có ba hình thức lạm dụng như sau:

1. Bắt chước: là sử dụng dấu hiệu có kí hiệu hoặc hình dạng màu sắc giống như biểu tượng và có thể gây nhầm lẫn với biểu tượng.

2. Chiếm dụng: là những cá nhân và cơ quan không được phép sử dụng biểu tượng nhưng vẫn sử dụng, ví dụ: các cơ sở thương mại, hiệu thuốc, bác sĩ tư nhân, các tổ chức phi chính phủ hoặc chỉ là dân thường,…);

Nếu những ai cho phép sử dụng biểu tượng như vậy thì theo luật của các Công ước và Nghị định cũng là chiếm dụng.

3. Đánh lừa: là khi xảy ra xung đột đã lợi dụng biểu tượng để bảo vệ binh lính hoặc các thiết bị quân sự. Việc sử dụng biểu tượng để đánh lừa như thế có thể cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế, có thể bị kết án là tội phạm chiến tranh.

- Lạm dụng biểu tượng vào mục đích bảo vệ trong thời chiến đã gây nên sự thách thức đối với hệ thống bảo hộ do Luật Nhân đạo Quốc tế xác lập nên.

- Lạm dụng biểu tượng vào mục đích chỉ dẫn sẽ hạ thấp hình ảnh của biểu tượng trong mắt công chúng và hậu quả là sẽ giảm hiệu lực của biểu tượng khi xảy ra chiến tranh.

- Các bên ký kết Công ước Giơ-ne-vơ cam kết sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn và hạn chế việc lạm dụng biểu tượng trong cả thời bình và thời chiến.

Tại Điều 14 Chương III của Luật hoạt động Chữ thập đỏ có quy định: “Biểu tượng chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tuợng chữ thập đỏ đựợc tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này”.

M.Tâm

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-bieu-hien-lam-dung-bieu-tuong-chu-thap-do-a15888.html