1. Mục đích bảo vệ của biểu tượng, đây là mục đích cơ bản của biểu tượng, khi có xung đột, các bên tham chiến không được tấn công, không được xâm phạm những nơi có biểu tượng. Biểu tượng thường phải có kích thước lớn.
Theo đó, Biểu tượng dùng để bảo vệ cho:
- Các đơn vị quân y, các đơn vị y tế của Hội quốc gia (bệnh viện, trạm cấp cứu) và phương tiện giao thông vận tải (đường bộ, đường thuỷ, đường không) được giao nhiệm vụ cứu thương;
- Các cơ sở y tế dân sự (bệnh viện, trạm cấp cứu) được Chính phủ và các cấp chính quyền giao nhiệm vụ cứu chữa thương binh trong chiến tranh và hoạt động nhân đạo không thu tiền;
- Các tổ chức cứu trợ tình nguyện khác được Chính phủ cho phép hoạt động phục vụ cứu thương; họ được dùng biểu tượng cho nhân viên hoặc thiết bị khi phục vụ trong các đơn vị y tế của lực lượng vũ trang.
2. Mục đích nhận diện; với mục đích nhận diện, biểu tượng được sử dụng chủ yếu trong thời bình để cho biết rằng một cá nhân hoặc tài sản phương tiện có liên quan tới Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc là Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, hoặc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế. Biểu tượng thường có kích thước nhỏ hơn.
Biểu tượng này dùng để nhắc nhở rằng những tổ chức mang biểu tượng cần làm việc theo những nguyên tắc cơ bản của Phong trào.
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: "Các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ như Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho các tổ chức làm nhân đạo còn có một mục đích hết sức đặc biệt khác, đó là biểu tượng của sự bảo vệ”.
“Luật pháp quốc tế đã quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, những người bị bệnh và những người chăm sóc họ khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công. Do vậy, các biểu tượng trên cần được tôn trọng và sử dụng đúng. Nếu biểu tượng này bị sử dụng một cách tuỳ tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người", Phó Chủ tịch Hùng nhấn mạnh.
“Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ; Biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động Chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này” – Điều 14, chương III, Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
MT
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/muc-dich-su-dung-bieu-tuong-chu-thap-do-a15887.html