Biểu tượng Chữ thập đỏ ra đời như thế nào?

(NĐ&ĐS) - Biểu tượng "Chữ thập đỏ trên nền trắng" chính thức được công nhận trở thành biểu tượng chính thức của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Năm 1859: Henry Dunant đã chứng kiến trận Solferino, nơi có hàng nghìn binh sĩ bị thương đã chết vì không được cứu chữa, thi thể của họ đã bị cướp bóc và thú dữ ăn thịt. Lực lượng quân y không đủ để hoàn thành nhiệm vụ, và một trong những nguyên nhân chính là họ không được phân biệt bằng một biểu tượng thống nhất để hai bên tham chiến dễ dàng nhận ra.

bieu-tuong-1

Năm 1863: Một Hội nghị ngoại giao quốc tế đã họp tại Geneva, nhằm cố gắng tìm ra những biện pháp khắc phục sự bất lực của lực lượng quân y trên chiến trường. Hội nghị thông qua dấu hiệu "Chữ thập đỏ trên nền trắng" những tổ chức cứu trợ thương binh cũng là các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia sau này.Nhằm tôn vinh quốc gia sáng lập ra Phong trào Chữ thập đỏ quốc tế, Hội nghị đã quyết định sử dụng dấu hiệu “Chữ thập đỏ trên nền trắng” ngược lại với quốc kỳ của nước Thuỵ Sỹ (Chữ thập đỏ trắng trên nền đỏ).

Năm 1864: Công ước Geneva thứ nhất, ngày 22/8/1864 được chính thức thông qua, trong đó biểu tượng "Chữ thập đỏ trên nền trắng" được công nhận.

Năm 1876: Trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ, trận chiến ở Balkan, Đế quốc Ottoman đã quyết định dùng một hình Trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trắng thay cho Chữ thập đỏ. Ai Cập cũng chọn hình Trăng lưỡi liềm đỏ, sau đó Ba Tư chọn hình một con Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ trên nền trắng. Những quốc gia này có một số bảo lưu một số điều trong Công ước Geneva và những dấu hiệu riêng của họ đã được ghi vào Công ước năm 1929.

Năm 1949: Điều khoản 38 của Công ước Geneva thứ nhất, ngày 22/8/1864 khẳng định những biểu tượng của Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ trên nền trắng phải được bảo vệ. Vì vậy không được phép sử dụng bất cứ biểu tượng nào khác ngoài biểu tượng Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ và Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ.

Năm 1980: Nước Cộng hoà Hồi giáo Iran quyết định bỏ biểu tượng Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ, mà thay thế bằng biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ.

Năm 1982: Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thông qua biểu tượng của Hiệp hội là Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nằm trong một khung chữ nhật viền đỏ trên nền trắng.

Năm 2005: Ngày 8/12/2005, các quốc gia là thành viên của các Công ước Geneva năm 1949 đã thông qua Nghị định thư bổ sung III về Biểu tượng, trong đó công nhận thêm một biểu tượng mới: Biểu tượng Pha lê đỏ. Nghị định thư giúp cho các quốc gia và các Hội quốc gia linh hoạt hơn trong việc sử dụng các biểu tượng và cho phép các Hội quốc gia không thể sử dụng Chữ thập đỏ hay Trăng lưỡi liềm đỏ trở thành thành viên đầy đủ của Phong trào, miễn là họ đáp ứng các điều kiện khác về việc công nhận. Biểu tượng này có thể được công nhận và sử dụng như biểu tượng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ.

Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là Phong trào nhân đạo lớn nhất thế giới, hoạt động trên toàn cầu, bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ/Pha lê đỏ quốc gia.

M.K

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bieu-tuong-chu-thap-do-ra-doi-nhu-the-nao-a15885.html