PV: Để thực hiện tốt phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” xuân Kỷ Hợi 2019, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã triển khai những hoạt động cụ thể thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Ngay từ đầu tháng 10/2018, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã có công văn gửi các tỉnh, thành ủy, ban cán sự Đảng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nhân dân, các tổ chức liên quan tại địa phương phối hợp với Hội CTĐ triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Kỷ Hợi – 2019. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong vận động nguồn lực và trao tặng quà Tết; Vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ nguồn lực và đồng hành với Hội thực hiện Phong trào; Tuyên truyền phong trào Tết trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần thúc đẩy Phong trào thực hiện hiệu quả, thực sự là ngày hội toàn dân chăm lo cho người nghèo tại địa phương; Đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham gia các đoàn đi thăm và tặng quà Tết với Hội CTĐ cùng thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng với người nghèo và cổ vũ, khích lệ các tổ chức, cá nhân tham gia Phong trào.
Bên cạnh đó, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã tổ chức Chương trình “Sức mạnh nhân đạo” kêu gọi toàn xã hội chung tay mang Tết đến với hàng triệu hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo 1400 mở đầu số nhắn tin 1409 với cú pháp TET (từ ngày 15/12/2018 - 12/02/2019). Mỗi tin nhắn đóng góp 20.000 đồng cho người nghèo dịp Tết này.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu, toàn Hội vận động ít nhất 1,5 triệu suất quà Tết để trao tặng 1,5 triệu hộ gia đình có thêm điều kiện vui Xuân, đón Tết (đối với cấp tỉnh, mỗi suất trị giá từ 400.000 đồng trở lên; cấp huyện và cấp cơ sở, mỗi suất từ 300.000 đồng trở lên). Thời gian thực hiện từ 20/10/2018 - 31/01/2019, trong đó đợt cao điểm từ ngày 10/12/2018 - 10/1/2019.
Ðể thực hiện phong trào có hiệu quả, nhiều tỉnh, thành Hội đã có những hình thức sáng tạo gửi thư ngỏ kèm theo danh sách các địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, hoặc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo để vận động ủng hộ phong trào. Vận động các hội viên, tình nguyện viên, nhân dân tham gia nhắn tin TET gửi 1409, hoặc tham mưu vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan ủng hộ tối thiểu một ngày lương; phối hợp tổ chức các chương trình nghệ thuật để gây quỹ (đặt hòm quỹ nhân đạo tại các siêu thị, ngân hàng, nhà ga, bến xe), vận động tổ chức Hội ở nơi có điều kiện thuận lợi hơn giúp đỡ các địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ tiền, hàng, các cấp Hội đã có nhiều hình thức giúp đỡ mang tính phát triển bền vững như trao tặng nhà CTÐ, cấp trâu, bò sinh sản, dụng cụ sản xuất, cây giống, vật nuôi...
Một số tỉnh, thành còn có các hình thức hỗ trợ khác, như: tặng bàn ghế cho các trường học khó khăn; tặng sách, vở cho các em học sinh nghèo; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người già, người có hoàn cảnh khó khăn; sửa chữa, sơn vôi, lắp đặt điện chiếu sáng cho các hộ gia đình nghèo, hộ neo đơn; cấp suất ăn cho bệnh nhân nghèo nằm viện ngày Tết; quyên góp gạo, thịt để gói bánh chưng tặng người nghèo. Một số cấp Hội đã linh hoạt trong việc lồng ghép Phong trào với Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" do T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phát động và triển khai.
PV: Xin bà cho biết cụ thể về mục đích cũng như ý nghĩa của phong trào này?
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Phong trào được Ban Chấp hành T.Ư Hội CTĐ Việt Nam khoá VI phát động tháng 12/1999. Sau gần 20 năm thực hiện, Phong trào đã được triển khai ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành phong trào của toàn dân. Thông qua việc thực hiện Phong trào, các cấp Hội CTĐ đã vận động trên 6.675 tỷ đồng, trợ giúp trên 22,1 triệu lượt hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, trong đó có gần 1,5 triệu lượt hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, riêng giai đoạn 2009-2018, Phong trào đã trợ giúp trên 16,9 triệu lượt đối tượng, với giá trị gần 6.120 tỷ đồng.
Tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái, hàng năm, các cấp Hội CTĐ trên cả nước đã vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ hàng nghìn suất quà để chăm lo cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Với ý nghĩa nhân văn, Phong trào thu hút nhiều lực lượng và thành phần tham gia nhất; số người hưởng lợi và địa bàn triển khai nhiều nhất; sự truyền thông mạnh mẽ và vận động nguồn lực hiệu quả nhất; sự trợ giúp đa dạng và thiết thực nhất; hiệu ứng xã hội lan toả rộng và sâu nhất trong các phong trào, cuộc vận động do Hội CTĐ Việt Nam thực hiện trong những năm qua.
Phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả thiết thực, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống, sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền nhiều địa phương, sự tham gia ngày càng nhiều của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
PV: Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, huy động cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân... ủng hộ Phong trào, những giải pháp trọng tâm được T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đề ra trong thời gian tới là gì, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Tiếp tục xác định “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” là phong trào thường xuyên, không chỉ là hoạt động truyền thống của Hội CTĐ, mà phải trở thành phong trào của toàn xã hội mỗi khi Tết đến, Xuân về. Trên cơ sở kết quả của phong trào đã đạt được trong những năm qua, Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội phát triển phong trào bền vững, có chiều sâu, đa dạng các loại hình hỗ trợ, tăng giá trị các suất quà. Tăng cường công tác vận động nguồn lực, tạo nguồn quỹ ổn định để chủ động trong thực hiện. Các cấp Hội tăng cường công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể đảm bảo nguồn lực tập trung không dàn trải. Tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo phong trào chặt chẽ, hiệu quả. Mặt khác, cần thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, tổng kết mô hình.
Các cấp Hội CTĐ cần tiếp tục có các chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” phát triển sâu rộng hơn nữa, thực sự trở thành phong trào toàn dân chăm lo cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; để mọi người nghèo và nạn nhân chất độc da cam đều được quan tâm hỗ trợ thường xuyên với nhiều hình thức thích hợp.
Trong những năm tiếp theo, Hội CTĐ Việt Nam phấn đấu 100% các tỉnh, thành Hội tham mưu tỉnh, thành ủy, UBND có văn bản chỉ đạo Phong trào hoặc quyết định thành lập Ban chỉ đạo Tết và mời Chủ tịch danh dự Hội CTĐ Việt Nam trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào, gửi thư kêu gọi và tham gia tặng quà trong dịp Tết; 100% các tỉnh, thành Hội chủ động duy trì nguồn quỹ Hội, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Phấn đấu hàng năm, ít nhất vận động đạt 1,5 triệu suất quà Tết, trong đó 100% địa chỉ nhân đạo từ Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" đã được khảo sát sẽ được hỗ trợ quà Tết.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Hồng Loan (thực hiện)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/mong-moi-nguoi-moi-nha-deu-co-dieu-kien-vui-xuan-don-tet-a15515.html