Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác hoạt động nhân đạo từ các tổ chức và các hoạt động trách nhiệm xã hội từ các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế và các tầng lớp nhân dân, trợ giúp kịp thời, thiết thực người nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm họa, những người dễ bị tổn thương khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hội nghị nhằm mục tiêu đánh giá tổng quan các chương trình, dự án nhân đạo tại Việt Nam 2014 - 2018 và định hướng ưu tiên của hoạt động nhân đạo thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Duy trì, mở rộng và phát triển các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; kêu gọi sự tham gia, đồng hành của các đối tác trong các hoạt động nhân đạo, đặc biệt là thực hiện các chương trình, đề án về an sinh xã hội ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Tăng cường hình ảnh và vai trò, vị thế của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng ghi nhận và tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội tại Việt Nam.
Hội nghị có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị đồng tổ chức đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra. Hội nghị được tổ chức trang trọng, với sự tham dự của đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các, bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện Hiệp Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, một số Hội Chữ thập đỏ các quốc gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ về dự Hội nghị. Tổng số đại biểu tham dự Hội nghị khoảng 300 người,
Hội nghị gồm các nội dung như sau: Báo cáo tổng quan hoạt động nhân đạo vì cộng đồng tại Việt Nam (2014-2018); định hướng ưu tiên của hoạt động nhân đạo thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0; Tham luận của các đơn vị tổ chức về vai trò, trách nhiệm và định hướng ưu tiên của các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động nhân đạo vì cộng đồng; Ký kết các chương trình hợp tác, ủng hộ nhân đạo; Tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo
Với vai trò là cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, trong giai đoạn 2013 - 2018, tổng trị giá hoạt động nhân đạo do toàn Hội CTĐ Việt Nam đạt hơn 9.563 tỷ đồng, trung bình 1.912 tỷ đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước, trong đó giá trị hoạt động công tác xã hội đạt 56%, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt gần 20,8%, hiến máu nhân đạo đạt hơn 10,6%, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt gần 4,8%, tuyên truyền, huấn luyện cán bộ đạt 7,8%; đã trợ giúp trên 36 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn (trung bình hơn 7 triệu lượt người nghèo/năm); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 7,11 lần.
Trong đó, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" trong 5 năm (2013-2018), toàn Hội đã vận động và trao tặng hơn 9,76 triệu suất quà Tết với tổng trị giá đạt trên 3.464 tỷ đồng, trung bình gần 700 tỷ đồng/1 mùa Tết; Dự án “Ngân hàng bò” và Chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” là hoạt động vận động nội lực lớn nhất của Hội từ trước tới nay; đã vận động và trao tặng 21.605 con bò cho hộ nghèo thuộc 62 tỉnh, thành phố, 335 huyện (trong đó có 51 huyện nghèo), 1.349 xã (trong đó có 184 xã biên giới) với tổng số tiền hơn 313 tỷ đồng (trong đó có 5.678 con bê sinh thêm, đã trao cho hộ gia đình nghèo khác 1.842 con); Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được triển khai sâu rộng ở cơ sở. Các cấp Hội đã khảo sát, lập 575.598 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”, trợ giúp trực tiếp hoặc vận động các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trợ giúp 540.168 "địa chỉ nhân đạo" với tổng trị giá đạt trên 941 tỷ đồng.
Bên cạnh đó Hội còn tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đã vận động gần 460 tỷ đồng, trợ giúp hơn 1,8 triệu lượt người bị ảnh hưởng nặng nề bởi rét đậm, rét hại các năm 2013, 2014, 2016 tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ; đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016; cứu trợ mưa lũ diện rộng tại miền Trung, miền núi phía Bắc năm 2016, 2017...Ngoài ra, Hội còn vận động xây dựng cộng đồng an toàn; đã kiện toàn Đội Ứng phó thảm họa quốc gia, lập 33 đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh (PDRT), 389 đội ứng phó thảm họa cấp xã; tiếp tục vận động nguồn lực trồng rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn tại 10 tỉnh, thành phố, góp phần bảo vệ đê biển và cộng đồng cư dân ven biển.
Hoạt động tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân và sơ cấp cứu cũng được Hội tiếp tục duy trì hoạt động 1.189 cơ sở khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ, 260 đội khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ lưu động, đoàn thầy thuốc tình nguyện, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 22 triệu lượt người nghèo với tổng giá trị đạt hơn 1.905 tỷ đồng; tổ chức huấn luyện, xây dựng đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu, đã sơ cứu cho 223.226 người, trong đó có trên 60 nghìn nạn nhân tai nạn giao thông; tổng trị giá công tác sơ cấp cứu đạt hơn 63 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác đạt tổng giá trị hơn 1.011 tỷ đồng; đã vận động được trên 6,1 triệu đơn vị máu, trong đó: tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 97,5%, tỷ lệ dân số hiến máu đạt 1,52%.
Để có được nguồn lực phục vụ các hoạt động nhân đạo trên đây, tổ chức Hội đã tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức. Trong giai đoạn 2013-2018, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo với hơn 30 cơ quan, tổ chức, góp phần vận động chính sách, vận động nguồn lực, nâng cao vị thế của tổ chức Hội và hiệu quả trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình phối hợp, một số tổ chức, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt, Công ty Prudential Việt Nam, Công ty Coca-Cola Việt Nam, Công ty Friestland Campina ... đã ủng hộ nguồn lực đáng kể cho hoạt động nhân đạo.
Thông qua chương trình phối hợp, một số đơn vị truyền thông, như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Công ty CP truyền thông Latsta đã tích cực truyền thông vận động nguồn lực, đồng thời trực tiếp tiếp nhận nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo của Hội. Một số báo chí khác, như: Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Lao động, Báo Tiền Phong... cũng đã bảo trợ thông tin, tham gia vận động nguồn lực trong một số chiến dịch nhân đạo lớn do Hội tổ chức.
Khánh Chi
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/phat-huy-trach-nhiem-xa-hoi-va-vien-tro-nhan-dao-cua-cac-to-chuc-doanh-nghiep-a15457.html