Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng - thành công từ những mô hình điểm

(NĐ&ĐS) - Ngày 26/3, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chia sẻ những mô hình điểm trong dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực đô thị và nông thôn tại tỉnh Quảng Bình”.

Tham dự hội thảo có ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hoa đại diện Hội CTĐ Đức tại Việt Nam, ông Cao Quang Cảnh - Chủ tịch Hội CTĐ Quảng Bình, đại diện Hiệp hội và các Hội quốc gia cùng đại diện lãnh đạo các ban của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam.

Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng khu vực nông thôn và đô thị tại Quảng Bình” được triển khai thực hiện từ tháng 6/2015 đến tháng 3/2018 với tổng kinh phí 745.000 euro từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Boll Foundation thông qua Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Dự án hướng đến đối tượng người dân, học sinh, trường học tại các xã Bảo Ninh, phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới); xã Mai Hóa, xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa).

IMG_5843
Phó Chủ tịch T.Ư Hội Trần Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cho biết, đây được coi là dự án thành công với nhiều điểm mới, nhiều điểm sáng và thành công từ các mô hình điểm. Hiệu quả của dự án mang lại tính bền vững, tạo điểm nhấn trong xây dựng cộng đồng.

Thông qua dự án đã giúp T.Ư Hội CTĐ Việt Nam triển khai nhiều mô hình mới, nhiều cách làm lần đầu tiên được triển khai như: Lần đầu tiên ở cấp tỉnh xây dựng được quỹ ứng phó khẩn cấp; Hội CTĐ Việt Nam phối hợp Hội CTĐ Đức triển khai hội thảo áp dụng từng bước mô hình đầu tư tài chính dựa trên cảnh báo; Phối hợp với các cơ quan truyền thông ở địa phương xây dựng nhóm truyền thông trong tình huống khẩn cấp; Tạo ra mô hình bản đồ rủi ro thảm họa số.

Từ dự án này, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã đánh giá hệ thống hoạt động của T.Ư từ đó ban hành các tài liệu quy chuẩn như tài liệu đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương dựa vào cộng đồng.

Trong toàn bộ thời gian diễn ra hội thảo, đại diện hội CTĐ Đức, hội CTĐ địa phương được hưởng lợi đã trình bày, chia sẻ các mô hình điểm tạo nên thành công của dự án gồm phương pháp xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai số có sự tham gia của cộng đồng; mô hình nhóm truyền thông trong tình huống khẩn cấp; Đội ứng phó thiên tai thảm họa cấp tỉnh; quỹ ứng phó khẩn cấp cấp tỉnh.

Thành công của dự án nói chung và tính sáng tạo của các mô hình điểm nói riêng đã giúp cho Hội CTĐ Việt Nam có những bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó thảm họa thiên tai.

Kết thúc hội thảo, ông Trần Quốc Hùng đã trao biển Quỹ ứng phó thảm họa trong tình huống khẩn cấp trị giá 150 triệu đồng cho Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình.

Trong 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã trang bị cho trên 19.200 người dân về kiến thức phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thảm họa; tập huấn cho Ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhân dân tại các xã hưởng lợi về cơ chế diễn tập ứng phó trước, trong, sau thiên tai. Thời gian qua, để cụ thể hóa những kiến thức, Ban Điều hành Dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 4 đợt diễn tập ứng phó phòng ngừa thiên tai tại 2 xã Thuận Hóa và Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) với sự tham gia trên 1.000 lượt người dân.

Bên cạnh những hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai, thảm họa, Dự án còn triển khai những hoạt động hỗ trợ sinh kế, trang thiết bị, thực hiện xây dựng một số công trình ứng phó thiên tai tại các địa phương, trường tiểu học thuộc vùng Dự án; hỗ trợ xây dựng 25 nhà chòi tránh lũ cho 25 hộ dân ở vùng ngập lụt xã Thuận Hóa; xây dựng đường cứu hộ và sơ tán cho xã Mai Hóa... Đặc biệt, Dự án đã thực hiện thành công mô hình tổ hợp tác đan vá lưới cho phụ nữ xã Bảo Ninh, góp phần cải thiện kinh tế cho phụ nữ sau thảm họa cá chết hàng loạt tại biển miền Trung Việt Nam. Tại các địa phương được hưởng lợi, ngoài việc nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ địa phương, dự án còn trang bị cho xã Mai Hóa và Thuận Hóa hệ thống loa truyền thanh cảnh báo sớm; xây dựng 9 chòi tránh lũ tại xã Thuận Hóa - một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do hai trận lũ kép lịch sử tháng 10 và 11/2016.

Dự án còn thực hiện thành công các tiểu dự án nhỏ như mô hình trường học an toàn; tập huấn các kỹ năng bơi cho học sinh; lắp đặt bể chứa nước phục vụ sinh hoạt; trang bị túi sơ cấp cứu tại các trường học... Đến nay, tổng trị giá các hoạt động dự án triển khai tại Quảng Bình đạt 4,7 tỷ đồng.

Nho Quế

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quan-ly-rui-ro-tham-hoa-dua-vao-cong-dong-thanh-cong-tu-nhung-mo-hinh-diem-a15199.html