Sơn La: Hơn 49.000 người được hưởng lợi từ dự án của Hội Chữ thập đỏ

(NĐ&ĐS) - Trong 3 ngày 12-14/3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam” và tổng kết dự án “Y tế Việt Nam” tại huyện Thuận Châu, Mường La và thành phố Sơn La.

Những năm trở lại đây, việc gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thiên tai đối với vùng Tây Bắc Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống Nhân dân, đặc biệt là đối với người dân các vùng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương.

Trước thực trạng đódự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam”, do Hội Chữ thập đỏ Pháp và Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ. Dự án được triển khai từ năm 2014 đến năm 2017 tại các huyện: Thuận Châu, Mường La và TP.Sơn La, đã có 49.821 người được hưởng lợi từ Dự án. IMG-4315-1

Tiểu dự án xây dựng đập tràn ở xã Chiềng Lao, huyện Mường La.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực của người dân các vùng dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó thảm họa thông qua phương pháp tiếp cận có sự tham gia, có thể nhân rộng và nhạy cảm giới.

Sau khi triển khai, Dự án hướng đến kết quả cải thiện năng lực của Hội Chữ thập đỏ, các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc triển khai các hoạt động quản lý rủi ro và ứng phó với thảm họa có lồng ghép giới tại các tỉnh mục tiêu; các cộng đồng dễ bị tổn thương tại địa bàn mục tiêu có khả năng giảm thiểu rủi ro cho mình thông qua quy trình lập kế hoạch và hành động; các trường học trong địa bàn mục tiêu được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với thảm họa như: Sơ cứu ban đầu và tìm kiếm cứu nạn cho giáo viên, tập huấn mô hình trường học an toàn; bài học kinh nghiệm. Sở dĩ dự án có thêm phần về giới là do định kiến về giới trong xã hội nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế như: nạn buôn bán người, bạo lực giới…; tăng cường tiếp cận và sử dụng thông tin, các dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người có HIV; giảm thiểu sự phân biệt, đối xử và kỳ thị đối với người có HIV trong cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ...

IMG-4305-1

Thăm hộ gia đình được hỗ trợ nuôi dê sinh sản ở xã Chiềng Lao, huyện Mường La.

Trường Tiểu học Chiềng Lề, TP.Sơn La là nơi triển khai tiểu dự án “Xây dựng lan can trường học để phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh”.

Cô Trần Bảo Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Lề thay mặt nhà trường trân trọng cảm ơn dự án: "Với địa bàn không bằng phẳng, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho học sinh, hoạt động thực tiễn của dự án đã giúp tháo gỡ những khó khăn, trăn trở cho nhà trường, bên cạnh đó nhà trường còn được hỗ trợ tập huấn sơ cấp cứu". 

IMG_0049

Tiểu dự án làm rào chắn lan can ở Trường Tiểu học Chiềng Lề, TP.Sơn La.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường La, cho biết: Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam” tại tỉnh Sơn La đã giúp cho cấp ủy, chính quyền trong việc phòng ngừa một cách toàn diện đối với thiên tai, giảm nhẹ tác động, cung cấp các biệp pháp ứng phó hiệu quả và cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng.

Dự án đã đạt được kết quả quan trọng, cải thiện được năng lực của cán bộ CTĐ huyện, xã tại Mường La đặc biệt năng lực của cán bộ Hội CTĐ huyện đã được áp dụng vào đợt lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn huyện xảy ra vào 8/2017.

Đối với Dự án “Y tế Việt Nam” tiền thân là dự án “Hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và phòng chống HIV/AIDS” do Hội CTĐ Mỹ tài trợ thông qua T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho Hội CTĐ Sơn La, tính đến nay đã triển khai được gần 6 năm. Mục tiêu chung của dự án là tăng cường tiếp cận và sử dụng thông tin liên quan đến HIV/AIDS bao gồm các dịch vụ điều trị, phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ người có 'H'. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các hành vi, nguy cơ của những người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

FullSizeRender

Bà Cầm Thị Chuyên, Chủ tịch Hội CTĐ Sơn La phát biểu tại hội nghị.

Trong những năm qua, ban quản lý dự án Hội CTĐ tỉnh Sơn La đã tích cực chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan trong tỉnh tích cực, phối hợp với các hoạt động truyền thông, tư vấn, giao lưu chia sẻ kiến thức về HIV. Ban quản lý dự án tỉnh Hội đã tích cực chỉ đạo nhóm tình nguyện viên tập trung tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng nhân dân...

Đồng thời, hoạt động tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS có sự chuyển biến mạnh mẽ với tổng số khách hàng của phòng truyền thông là trên 10.000 khách, đạt tỷ lệ 132% so với tổng số chỉ tiêu trung ương giao. Bên cạnh đó, ban quản lý dự án tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch triển khai 4 lớp tập huấn về quản lý thu, chi hộ gia đình cho 45 hộ tại 6 xã Chiềng Ly, Chiềng La, Mường Bú, Chiềng Mung, Cò Nòi, Bó Mười.

Thông qua các lớp tập huấn cho thấy cách thức can thiệp mới này sát với thực tế, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn từng địa phương và chính hộ gia đình họ. Dự án đã hỗ trợ 105 con lợn và 70 con dê giống cho 70 hộ gia đình tại 3 huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La, giúp các hộ cải thiện thu nhập.

Chủ tịch Hội CTĐ Sơn La, bà Cầm Thị Chuyên đánh giá cao hiệu quả mà 2 dự án mang lại. Dự án đã giúp Hội Chữ thập đỏ các cấp và chính quyền địa phương nâng cao năng lực trong việc triển khai các hoạt động quản lý rủi ro và ứng phó thảm hoạ và nâng cao nhận thức, giảm sự kì thị phân biệt đối xử của nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ người nhiễm 'H' mới trên địa bàn tỉnh.

Bà Chuyên mong muốn "làm sao để nhân rộng mô hình này đến nhiều các xã khác".

"Nếu mọi người dân được trang bị kiến thức về phòng ngừa ứng phó thảm hoạ thì khi có thiên tai xảy ra, sẽ giảm thiểu rất lớn về thiệt hại; tăng cường tiếp cận và sử dụng thông tin, các dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người có HIV; giảm thiểu sự phân biệt, đối xử và kỳ thị đối với người có HIV trong cộng đồng", bà Chuyên nói. Đồng thời, bà cũng cảm ơn Hội CTĐ Pháp, Hội CTĐ Mỹ, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã hỗ trợ Hội CTĐ Sơn La trong thời gian vừa qua.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện các tiểu dự án, các hoạt động truyền thông, hỗ trợ sinh kế thuộc Dự án Y tế Việt Nam. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến để duy trì tính bền vững và hiệu quả của Dự án sau khi Dự án đã kết thúc.

Hồng Loan

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/son-la-hon-49000-nguoi-duoc-huong-loi-tu-du-an-cua-hoi-chu-thap-do-a15186.html