Nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thảm họa bằng tiền mặt

Sáng ngày 17/10, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động và lập kế hoạch Dự án Nâng cao năng lực ứng phó bằng tiền mặt.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam; ông Isidro Navarro, Điều phối viên khu vực về dự phòng tiền mặt Hiệp hội CTĐ-TLLĐ quốc tế; bà Nguyễn Thanh Vân, Hiệp hội CTĐ-TLLĐ quốc tế; các ban đơn vị của T.Ư Hội; các ông bà là lãnh đạo của các tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó bằng tiền mặt, cũng như một số tỉnh chưa ứng phó cứu trợ bằng tiền mặt gồm các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Nghệ An, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Sơn La, Bến Tre và cơ quan đại diện phía Nam; Cùng các tổ chức quốc tế, các hội quốc gia…

IMG-1238
Toàn cảnh Hội nghị.

Chương trình cứu trợ tiền mặt trong tình huống khẩn cấp là một phương thức ứng phó nhân đạo có thể được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết lập hoặc tái thiết các hoạt động sinh kế. Hộ hưởng lợi có nguồn lực để tiếp cận lương thực và các mặt hàng khác có trên thị trường, tiền mặt giúp người dân chịu trách nhiệm về việc phục hồi của chính họ. Đây là cách làm hiệu quả và ít chi phí nhất trong các hình thức cứu trợ, cứu trợ bằng tiền mặt là một công cụ phục hồi trên toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai do biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt ở Việt Nam thiên tai xảy ra rất nhanh, rất thảm khốc ở nhiều nơi, nhiều địa phương nên viêc cứu trợ gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt. Trong những năm qua, ngoài việc ứng phó bằng các thùng hàng gia đình, bằng lương thực và phi lương thực thì Hội CTĐ Việt Nam đã đẩy mạnh ứng phó bằng tiền mặt và trong năm qua Việt Nam đã thể hiện có thế mạnh về vấn đề này. Trong những quốc gia trong khu vực, Việt Nam được chọn làm thí điểm thực hiện chương trình này. Với sực hỗ trợ của Hiệp hội, việc cứu trợ bằng tiền mặt của chúng ta bước đầu đã thành công.

Ông Hùng nhấn mạnh: Ứng phó bằng tiền mặt có nhiều hình thức khác nhau có điều kiện và không có điều kiện, trong quá trình triển khai đã bộc lộ rất rõ điểm mạnh, tuy vậy cũng có những bất cập, những vấn đề chúng ta phải xem xét trong quá trình ứng phó.

Với phương châm nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả thì cứu trợ bằng tiền mặt là hình thức rất tốt để chúng ta thực hiện phương châm này. Năm 2016, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã ban hành quy trình chuẩn cứu trợ bằng tiền mặt, dựa vào các tiêu chí và bình chọn từ dưới lên có sự giám sát của chính quyền địa phương và người dân được công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có sự khảo sát, giám sát về đối tượng người hưởng lợi… tất cả những biện pháp đó đã làm cho việc cứu trợ bằng tiền mặt của chúng ta đã tốt lên rất nhiều.

IMG-1231
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Ông Isidro Navarro - Điều phối viên khu vực về dự phòng tiền mặt Hiệp hội CTĐ- TLLĐ quốc tế cho biết: Phong trào CTĐ – TLLĐ quốc tế có rất nhiều Hội quốc gia đã sử dụng tiền mặt như một công cụ để ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia trong Phong trào chưa phát triển hoặc chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu trợ và sử dụng tiền mặt như một công cụ để cứu trợ trong ứng phó thảm họa.

Như chúng ta đã biết, hiện nay trên phạm vi toàn cầu các nhà tài trợ lớn đã chuyển hướng tài trợ bằng tiền mặt trong tình huống khẩn cấp. Nếu như chúng ta hoặc các tổ chức nhân đạo không sử dụng tiền mặt trong cứu trợ nhân đạo trong tình huống khẩn cấp thì các nhà tài trợ lớn họ sẽ đặt ra câu hỏi tại sao không dùng tiền mặt để cứu trợ? Trong xu thế mới, Hiệp hội CTĐ – TLLĐ quốc tế và Uỷ ban CTĐ quốc tế đã có những cam kết đưa ra những định hướng cho phong trào trong việc sử dụng tiền mặt như một công cụ để ứng phó với thảm họa. Mặc dù sử dụng tiền mặt trong cứu trợ cũng có những băn khoăn lo ngoại, vì sử dụng tiền mặt có những rủi ro. Tuy vậy, với xu thế sử dụng tiền mặt ngày một tăng và là mong muốn của các nhà tài trợ, thì Hiệp hội CTĐ – TLLĐ quốc tế cũng có những điều chỉnh và cam kết, chính sách để đáp ứng nhu cầu này.

Việc sử dụng tiền mặt để ứng phó với rủi ro thảm họa đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện như: CTĐ Đức xây dựng chương trình cứu trợ bằng tiền mặt như cấp tiền mặt trực tiếp (số lượng nhỏ), hỗ trợ sửa chữa thay thế đồ đạc gia dụng và quần áo, tái thiết các công trình xây dựng; CTĐ Mỹ đã cấp phát “Thẻ thông minh” cho những người còn sống. Mức hỗ trợ dựa trên nhu cầu cấp thiết liên quan đến thảm họa của từng người dân. Người được cấp thẻ mua bất kỳ thứ gì; CTĐ Anh giải ngân hơn 10 triệu USD tiền mặt hỗ trợ trực tiếp cho trên 10.000 nạn nhân nhằm giúp họ khôi phục sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp – là các nguồn sinh kế chủ yếu của người dân tỉnh Aceh.

Đặc biệt tại Việt Nam sau bão Ketsana/Mirinae 2009, 85% tiền mặt được cứu trợ đã chi số tiền được cấp để mua thực phẩm (hầu hết là gạo), 37% số hộ chi để sửa chữa nhà, 30% hộ gia đình chi mua các loại thuốc y tế hoặc chi cho sinh kế, 76,9% hộ gia đình cho rằng họ đã nhận được tiền đúng lúc và kịp thời; Giải quyết các nhu cầu cấp bách và cần thiết trong khoảng thời gian ngắn; Tạo tính chủ động của người dân, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm của người hưởng lợi trong việc lựa chọn các loại hàng hóa phù hợp với sinh hoạt hộ gia đình. Bước đầu đã cơ bản có một quy trình chuẩn trong hoạt động cứu trợ của Hội (xác định rõ tiêu chí, quy trình lựa chọn hộ hưởng lợi, cách thức kiểm tra, thẩm định và tổ chức cấp phát…); 87,5% đối tượng được nhận cứu trợ tiền mặt sau Ketsana/Mirinae 2009) đánh giá Chương trình cứu trợ là rất minh bạch.

Hồng Loan

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nang-cao-nang-luc-ung-pho-voi-rui-ro-tham-hoa-bang-tien-mat-a14956.html