Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: 60% câu hỏi trong đề thi dành xét tốt nghiệp

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (khoảng ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi còn lại để xét tuyển sinh vào hệ thống các trường ĐH, CĐ.

Chưa đầy một tháng nữa, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra, vậy đến thời điểm này công tác chuẩn bị tổ chức thi như thế nào? Đề thi ra theo hướng nào? công tác bảo mật đề thi ra sao?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: 60% câu hỏi trong đề thi dành xét tốt nghiệp

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT

PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2017 được thực hiện tích cực, chu đáo tại các địa phương.

Các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi đều được các địa phương tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này.

Đảm bảo tuyệt đối mọi khâu của đề thi

Thưa ông, điểm mới trong kỳ thi năm nay là hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Số lượng đề thi sẽ rất lớn. Ví dụ, cụm thi thành phố Hà Nội sẽ cần tới 77.000 đề thi tự luận, 400.000 đề thi trắc nghiệm. Vậy Bộ GD&ĐT có phương án gì để hỗ trợ các địa phương trong công tác in sao đề thi?

PGS TS Mai Văn Trinh: Đề thi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mỗi kỳ thi, vì vậy, công tác in sao đề thi phải được hết sức được chú trọng.

Bộ GD&DT đã hướng dẫn chi tiết quy trình in sao đề thi, trong đó, đặc biệt lưu ý một số điểm sau:

Địa điểm in sao phải đảm bảo 3 vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật, ăn, ở, in sao đề thi, phòng chống cháy nổ. Qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị rất chi tiết, cẩn thận cho công tác in sao đề thi, xem đây là khâu rất quan trọng quyết định đến thành công của kỳ thi năm nay.

Bộ đã tập huấn kỹ nghiệp vụ in sao đề thi cho các đơn vị. Trong đó hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ về yêu cầu kỹ thuật đối với các máy móc, thiết bị, đặc biệt nhấn mạnh quy trình in sao, đóng gói, bảo mật đề thi.

Bộ cũng đã gửi công văn hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và quy trình in sao đề thi báo cáo Bộ trước khi triển khai thực hiện.

Tăng cường giảng viên đại học coi thi

Xã hội vẫn có băn khoăn rằng, giao quyền chủ động cho các Sở GD&ĐT tổ chức thi rất khó nghiêm túc vì áp lực tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hay việc chạy theo “bệnh thành tích” mà “nới lỏng”. Bộ GD&ĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh?

PGS TS Mai Văn Trinh: Trước hết, cần nói rằng đây không phải là năm đầu tiên Sở GDĐT chủ trì kỳ thi. Trong quá khứ, qua các giai đoạn khác nhau thì các Sở GDĐT đều đã chủ trì các kỳ thi với những mức độ khác nhau. Những khó khăn, bất cập, hoặc những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá khứ là bài học kinh nghiệm sâu sắc để tổ chức các kỳ thi, trong đó có Kỳ thi THPTQG.

Từ năm 2015 đến nay, khi tổ chức Kỳ thi THPTQG thì vai trò của Sở GDĐT ngày càng rõ nét, phù hợp với bản chất của kỳ thi THPT quốc gia cũng như trách nhiệm trước xã hội của các địa phương khi tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi năm 2015, 2016 là sự tập dượt, chuẩn bị từng bước để năm 2017 này tổ chức thi tại các địa phương do Sở GDĐT chủ trì.

Để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, các trường ĐH, CĐ sẽ tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương.

Ở khâu coi thi, trong mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị.

Tại mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm Phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH, CĐ sư phạm tham gia làm Phó trưởng Ban chấm thi, cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi.

Giải pháp chỉ đạo của Bộ là tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ đi liền với nêu cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi; quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh và cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, trong thí sinh, phụ huynh và xã hội để đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, công bằng.

Công tác thanh tra sẽ được tăng cường, tất cả các vi phạm quy chế thi đều sẽ được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe theo quy định của Quy chế và pháp luật hiện hành.

60% câu hỏi trong đề thi ở mức cơ bản

Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã 3 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo. Ông có thể bật mí về cấu trúc cũng như hướng ra đề thi năm nay?

PGS TS Mai Văn Trinh: Năm nay là năm đầu tiên trước kỳ thi Bộ đã công bố các đề minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Các đề thi này đã giúp học sinh, giáo viên hình dung được dạng thức, mức độ của đề thi chính thức trong Kỳ thi THPTQG.

Theo đó có thể thấy, cấu trúc đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi. Đề thi có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12 tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực người học như tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Trong mỗi đề thi của các môn thi thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong khi làm bài. Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (khoảng ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi còn lại đáp ứng mục tiêu phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh vào hệ thống các trường ĐH, CĐ khá đang dạng của nước ta hiện nay.

Mặc dù là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng với những điều chỉnh mới, nhiều thí sinh vẫn còn những băn khoăn nhất định. Ông có lời khuyên nào cho các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia?

PGS TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPTQG 2017 được tổ chức nhằm hướng tới tạo thuận lợi, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Phương án thi đã được công bố sớm, đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo đã được công bố. Các em tham khảo, yên tâm học và ôn tập, bám sát chương trình lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan.

Bên cạnh đó, các em cần hiểu rõ quy chế thi để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình và tránh những sai sót đáng tiếc trong đăng ký và dự thi.

Chúc các em học và ôn tập hiệu quả, đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới.

Xin cảm ơn ông !

 

 

Việt An (thực hiện )

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-60-cau-hoi-trong-de-thi-danh-xet-tot-nghiep-a1477.html