Các trường “bắt tay” kiểm soát thí sinh “ảo”

Thông tin mới nhất cho thấy, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm nay đã xuất hiện thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng. Với thế khó không thể nhận biết được thí sinh “ảo” nếu đơn độc xét tuyển một mình, nhiều trường đại học ở phía Bắc và phía Nam đang rục rịch “bắt tay” với nhau để lập nhóm xét tuyển nhằm sàng lọc thí sinh “ảo”…

Một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng

Sáng 8/5, tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội diễn ra cuộc họp về tuyển sinh theo nhóm trường ở miền Bắc. Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kết thúc đợt đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017, dữ liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, có thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng khác nhau. Dữ liệu cũng cho thấy, đa số thí sinh đăng ký từ 3 đến 5 nguyện vọng. Cụ thể, có khoảng 30% tổng số thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng, khoảng 50% thí sinh đăng ký từ 1 đến 5 nguyện vọng, khoảng 2% thí sinh đăng ký từ 8 đến 15 nguyện vọng. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của cả nước là khoảng 2,5 triệu. Như vậy, trung bình mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển theo 4 nguyện vọng.

cac-truong-bat-tay-kiem-soat-thi-sinh-ao

Sở dĩ một thí sinh có thể đăng ký tới 48 nguyện vọng là vì theo quy định mới, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng thoải mái, không bị giới hạn. Tuy nhiên, một thí sinh chỉ được xét trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất. Chính điều này đã gây khó khăn cho các trường đại học khi xét tuyển, vì lượng hồ sơ “ảo” có thể rất lớn.

Theo quy chế mới, tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đăng ký xét tuyển đều được xét tuyển bình đẳng như nhau trong cùng một đợt xét tuyển, nhưng thí sinh chỉ được xét trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất từ trên xuống dưới theo danh sách mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Do thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, nên các trường đại học nhận được đăng ký nguyện vọng của thí sinh sẽ không thể biết được thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng nào, vào trường nào khác chưa, nên có thể vẫn xét tuyển thí sinh đã trúng tuyển vào trường khác. Đây là những trường hợp “trúng tuyển ảo” và những trường hợp “trúng tuyển ảo” này sẽ chỉ được phát hiện khi thông tin được cập nhật lên hệ thống dữ liệu tuyển sinh chung do Bộ GD&ĐT quản lý.

Khi một thí sinh có thể trúng tuyển cùng lúc vào nhiều nguyện vọng, khiến dự liệu về điểm chuẩn tuyển sinh của các trường đại học cũng bị “ảo” theo. Điều này buộc các trường phải tính toán lại điểm chuẩn dự kiến để xét tuyển đủ số lượng sinh viên và phù hợp với quy định mới không cho phép hạ điểm tuyển sinh trong các đợt bổ sung so với đợt đầu. Ví dụ, Trường Đại học A dự kiến điểm xét tuyển đợt 1 là 25 điểm, tuy nhiên, do hồ sơ ảo nhiều, nên không tuyển đủ sinh viên trong đợt 1. Trường A buộc phải mở đợt xét tuyển sinh các đợt bổ sung theo các nguyện vọng sau của thí sinh, nhưng các đợt xét tuyển sau không được thấp hơn 25 điểm đã công bố ở đợt 1.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận khó khăn này của các trường: “Khó khăn năm nay là các trường không biết bao nhiêu em trúng tuyển vào trường mình, vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một trường, một nguyện vọng duy nhất. Bộ GD&ĐT đã có phần mềm thống kê (và việc thống kê sẽ được thực hiện) sau khi các trường gửi dữ liệu lên. Nếu các trường xét tuyển độc lập, bộ sẽ lọc được một lần rồi chuyển về. Như thế các trường sẽ khó khăn vì không biết thí sinh trúng tuyển trường nào”.

Chung tay chống hồ sơ ảo

Chính vì rơi vào “thế khó” khi không thể tự mình chủ động dự đoán được số lượng hồ sơ ảo nộp nguyện vọng vào trường mình, nên các trường đại học, cao đẳng đang “bắt tay” nhau lập nhóm theo khu vực để xét tuyển để dễ bề nắm bắt được các nguyện vọng của thí sinh, qua đó phát hiện được lượng hồ sơ ảo.

 Hiện tại, trên cả nước đã có 2 nhóm trường “bắt tay” nhau trong xét tuyển đại học, cao đẳng, một nhóm ở khu vực phía Nam và một nhóm ở khu vực phía Bắc. Nhóm các trường đại học ở miền Bắc do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì và hiện đã có 45 trường đại học, cao đẳng từ Hà Tĩnh trở ra đăng ký tham gia nhóm. Nhóm các trường ở khu vực phía Nam do Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì với khoảng hơn 60 trường đại học, cao đẳng từ Quảng Bình trở vào đăng ký tham gia.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội Trần Văn Tớp nói, theo quy chế tuyển sinh mới, thí sinh không bị giới hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nên đã có thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng. Điều này gây khó khăn cho các trường nếu xét tuyển độc lập. Việc các trường thành lập nhóm xét tuyển chung sẽ dễ dàng lọc được thí sinh ảo hơn. Bộ GD&ĐT sẽ chuyển dữ liệu tuyển sinh chung cho cả nhóm, dữ liệu này được đưa vào phần mềm tuyển sinh chung của nhóm để đưa ra điểm chuẩn phù hợp với từng trường trong nhóm xét tuyển chung. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính tự chủ trong xét tuyển sinh của các trường, mà chỉ giúp các trường loại bỏ được hồ sơ ảo để có điểm dự liệu xét tuyển phù hợp.

Nhóm các trường phía Nam cũng đã họp và thống nhất phương án xét tuyển chung ngày 3/5 vừa qua. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, hai nhóm trường phía Bắc và phía Nam sẽ chạy phần mềm xét tuyển trong 3 ngày, từ ngày 28/7 để đưa ra điểm chuẩn dự kiến cho từng trường thành viên của nhóm. Sau đó, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT sẽ chạy bước cuối cùng.

Trước thông tin có thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trong mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, riêng thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng này sẽ được Hội đồng Tuyển sinh xét tuyển theo hình thức thủ công, không đưa vào phần mềm tuyển sinh nên các trường có thể yên tâm chạy phần mềm xét tuyển.

Lã Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cac-truong-bat-tay-kiem-soat-thi-sinh-ao-a1464.html