Một trong những điểm nhấn của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được lấy ý kiến là việc giao quyền xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho các trường. Đề xuất này đang gây lo ngại có thể dẫn tới những tiêu cực trong trường học.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu ra 3 hình thức đánh giá: thường xuyên, định kỳ và trên diện rộng ở cấp địa phương, quốc gia. Việc đánh giá thường xuyên sẽ do giáo viên phụ trách môn học thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân học sinh và của các học sinh khác trong tổ, lớp.
Đặc biệt, việc đánh giá định kỳ để cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ do các cơ sở giáo dục thực hiện. Học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT, được cơ sở giáo dục là các trường THPT cấp bằng tốt nghiệp.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: “Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Ban biên soạn Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình mới bắt đầu được triển khai”.
Về xu hướng này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu không đổi mới thi cử thì rất khó tạo điều kiện buộc giáo viên đổi mới cách dạy, học sinh đổi mới cách học.
Theo GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, kỳ thi tốt nghiệp có áp lực rất lớn, chủ yếu là kiểm tra kiến thức (chứ không phải năng lực). “Nếu bây giờ chúng ta dạy học sinh theo kiểu mới, buộc các em phải giải nhiều bài toán thực tế thì sau này các trường có thể tổ chức một vài môn thi.
Trường giao cho học sinh làm một vài đề án nghiên cứu, học sinh làm tốt thì tích lũy thêm điểm cộng với đánh giá định kỳ và thường xuyên ở trường làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT. Để xét tốt nghiệp, chúng ta không nhất thiết phải thi theo kiểu kiểm tra lý thuyết và kỹ năng giải bài tập” - GS. TS Nguyễn Minh Thuyết phân tích.
Ảnh: Internet
Trước đề xuất này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội góp ý: Hình thức đánh giá kết quả giáo dục là nội dung quan trọng, quyết định chất lượng toàn bộ kết quả giáo dục phổ thông, do đó, Ban soạn thảo cần tập trung công sức để làm rõ thêm nguyên tắc hoặc quyền của các bên tham gia đánh giá kết quả giáo dục trong từng học kỳ, năm học, cấp học.
“Quyền của học sinh và cha mẹ học sinh được tham gia như thế nào? Khi có thắc mắc, khiếu nại, ai sẽ là người chịu trách nhiệm giải quyết? Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có quyền tự quyết, độc lập trong đánh giá học sinh như thế nào? Họ có phải chịu trách nhiệm khi đánh giá sai lệch kết quả phấn đấu của học sinh? Quyền của Hiệu trưởng, Ban giám hiệu được can thiệp như thế nào đối với đánh giá kết quả của từng học sinh?” - ông Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Riêng việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cấp địa phương sẽ chỉ được thực hiện để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Các kỳ đánh giá diện rộng dạng này sẽ được tổ chức bởi các tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, các trường cũng đang nghiên cứu dự thảo chương trình và cũng phản ánh nhiều băn khoăn về những đề xuất này. Tuy nhiên, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, từ nay đến năm 2020, sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT.
Duy Anh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/de-xuat-khoan-xet-tot-nghiep-thpt-cho-nha-truong-lo-phat-sinh-tieu-cuc-trong-xet-tot-nghiep-thpt-a1455.html