Đó cũng là vấn đề trăn trở của nhiều phụ huynh được đặt ra tại chuyên đề trò chuyện về dạy con do CLB Cha mẹ học sinh Trường THCS-THPT Đức Trí, TPHCM tổ chức mới đây.
Ông Trần Minh Thắng, ngụ ở Phú Nhuận, TPHCM, công tác trong ngành giáo dục chia sẻ thật tình, ông từng “gò” con theo đuổi những công việc mà ông cho là “lắm cái lợi” nhưng thất bại vì cháu không yêu thích. Sau đó, con ông làm nghề pha chế đồ uống, đúng với sở thích và khả năng của cháu.
Người bố đã nhìn thấy niềm hạnh phúc trong nghề nghiệp của con, nhưng ông vẫn không hết lo lắng khi lương con chưa đủ nuôi thân: “Cháu có làm hết sức, tăng ca hết cỡ thì thu nhập hàng tháng cũng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng, cao nhất không quá 5 triệu. Với thu nhập đó, cháu lo cho mình đã khó, làm sao có thể lập gia đình?”.
Đây cũng là nỗi lòng, tình cảnh không ít phụ huynh gặp phải trong việc định hướng nghề nghiệp cho con. Nghề con yêu thích nhưng thu nhập thấp, không có bổng lộc... nên gia đình phải là mọi cách “lái” con sang công việc khác .
TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam nhấn mạnh, khi định hướng nghề nghiệp cho con, cha mẹ hãy thật sự quan tâm con yêu thích gì, vì chỉ thật sự yêu thích mới có thể thành công. Nhưng hiện nay nhiều cha mẹ bỏ qua điều này, họ khuyến khích con vào những nghề được cho dễ kiếm tiền.
TS Hậu đưa ra ví dụ về điểm chuẩn vào ngành Công an cao hơn cả ngành Y ở ta là một điều bất thường vì không ở một xã hội bình thường nào xảy ra điều này. Học sinh chen nhau vào Công an, Quân đội... theo bà Hậu, không phải là do nhu cầu xã hội mà do nhu cầu từ phía cá nhân, gia đình.
Đúng là công việc việc này có hệ số lương cao, chưa kể nhiều ưu đãi nhưng bà Hậu lo ngại thực tế nhiều phụ huynh khuyến khích con vào ngành Công an, Quân đội vì cho rằng vào đó... dễ kiếm tiền. Điều này không chỉ nhìn sai lệch về nghề mà còn vô tình khuyến khích các em chọn tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
TS Hậu nhấn mạnh bất kể ngành nghề gì, nếu thật sự đam mê, bà luôn nói với các em hãy tìm tòi, dốc sức cho nghề, không ngừng sáng tạo để đưa lại hiệu quả và chất lượng công việc cao nhất hay làm công việc “tay trái” liên quan đến nghề nghiệp để có thể cải thiện về thu nhập. Bà lấy ví dụ từ bản thân là bà kiếm tiền chính từ việc viết sách, đi dạy về khảo cổ.
Việc “bẻ” con sang nghề khác vì lý do trần trụi là dễ kiếm tiền như suy nghĩ của phụ huynh, bà Hậu đặt ngược lại vấn đề: Liệu đứa trẻ có cạnh tranh nổi không khi mà công việc không phù hợp, không yêu thích?
TS Nguyễn Thị Hậu bộc bạch, không phụ huynh nào khuyến khích con theo nghề biết trước là khó khăn. Nhưng khi con đã có đam mê, mục tiêu với nghề nghiệp kể cả khi sau vì yêu cầu cuộc sống, các em chuyển nghề khác thì những kiến thức các em thu nhận được bằng tình yêu thật sự tạo nên nền tảng chiều sâu giúp các em có thể vững chãi, dễ dàng xử lý các vấn đề khó khăn gặp phải.
Trong vai trò phụ huynh, TS Nguyễn Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) chỉ ra có thứ gọi là cái hậu từ việc theo đuổi đam mê mà chúng ta không biết trước. Bản thân bà là giáo viên, lương thấp nhưng bà có đam mê là tham vấn tâm lý dù công việc này làm miễn phí. Từ hai công việc yêu thích và liên quan đến nhau này và từ nhu cầu xã hội, giờ bà có thể kiếm tiền nhờ làm diễn giả, đi nói chuyện... Đam mê đưa đến những trải nghiệm cuộc sống thú vị và cả thu nhập.
Còn việc “ép” nghề con, chạy theo xu hướng xã hội, theo TS Phạm Thị Thúy, việc có tiền hay không có tiền chưa biết nhưng có thể biết trước là đứa trẻ sẽ không hạnh phúc.
Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay, theo bà mẹ này là phụ huynh không biết hết về các ngành nghề, con trẻ cũng không biết. Việc hướng nghiệp phải làm sao giúp phụ huynh, con trẻ tiếp cận với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau, cơ hội nghề nghiệp trong và ngoài nước... để các em khám phá bản thân và có lựa chọn phù hợp nhất.
Hoài Nam
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/so-con-theo-nghe-ngheo-khong-du-song-a1453.html