Phát triển hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới

(NĐ&ĐS) - Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển hoa, cây cảnh nói chung vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Sáng ngày 23/4, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), Câu lạc bộ Đổi mới và Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả tổ chức hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

5dbc394a1f08f656af19
Các chuyên gia nhận định, tiềm năng của ngành kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất trên Thế giới. Đến nay cả nước có khoảng 35 nghìn ha tập trung chuyên canh hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở các miền.

Trong vòng 15 năm, diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển hoa, cây cảnh nói chung vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh còn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động liên kết lỏng lẻo. Đặc biệt, thị trường hoa cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp, nhất là luồng ý kiến trái triều về hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua.

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Theo GS. TS. Trần Duy Quý - Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, tiềm năng, cây cảnh trong nước vẫn chưa thể phát triển mạnh một phần còn do chính sách về thưa thỏa đáng.

“Chúng ta chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy ngành trồng hoa công nghệ cao phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Hiện nay, vẫn còn thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến sản xuất hoa hướng tới sản xuất theo công nghệ cao với cả dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Về mặt này người trồng hoa rất cần được trợ giúp và chuyển giao công nghệ”, GS. TS. Trần Duy Quý nhận định.

Tại hội thảo, cơ quan chức năng cũng cảnh báo những rủi ro trong đầu tư hoa - cây cảnh, trong đó có lan đột biến và khuyến nghị người dân đề phòng, nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo phát sinh gây hoang mang dư luận, bảo vệ người sản xuất - kinh doanh và làm dịch vụ hoa - cây cảnh chân chính.

lan
Đại diện một số nhà vườn tiêu biểu trong phong trào nuôi trồng phong lan đột biến

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt Ban Vận động thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam; ký cam kết đồng hành Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết trồng cây; tôn vinh những nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu có nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng.

Nguyễn Khuê

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/phat-trien-hoa-cay-canh-nganh-kinh-te-sinh-thai-trong-xay-dung-nong-thon-moi-a14376.html