Rượu, bia – Mối nguy hiểm khi tham gia giao thông

(NĐ&ĐS) - Quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn còn chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân.

Theo một khảo sát của Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy, tỷ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%. Mỗi năm nước ta có khoảng 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông trong đó có 36,9% ca tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia…

Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn còn chưa hiệu quả do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến, chén rượu được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến… chính vì vậy mà việc tuyên truyền giảm bớt sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người tham giao thông phải tự ý thức được những mối nguy hiểm với họ và những người xung quang khi sử dụng rượu bia mà tham gia giao thông.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn. Một đơn vị này tương đương một ly rượu mạnh (40 độ, 30 ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); một vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml).

Như vậy, mỗi người chỉ được uống từ 1 – 1,5 lon bia trước khi tham gia giao thông để tránh bị phạt. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu/hơi thở còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người. Chính vì vậy, khi tham gia giao thông, mỗi người cần phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản than, gia đình và cộng đồng đừng để quá đà, mải mê trên bàn nhậu dẫn đến việc rượu bia “điều khiển” bản thân. Mỗi người phải tự ý thức tiết chế sử dụng rượu bia, tránh gây những hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội, tốt nhất là thực hiện khẩu hiệu “đã uống rượu bia, thì không lái xe” để giúp mọi người tham gia giao thông an toàn.

187f7535da72332c6a63
Rượu bia luôn là mối nguy hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; Trong đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng mức xử phạt tối đa và thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Đặc biệt, điểm mới nhất của Nghị định 100/2019/NĐ-CP là ở chỗ, Nghị định bổ sung quy định xử phạt đối với các vi phạm của người điều khiển giao thông sử dụng rượu, bia, để thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Cụ thể:

- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện:

Đây là lần đầu tiên, Chính phủ quy định mức xử phạt đối với người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm về nồng độ cồn, cụ thể:

+ Phạt tiền từ 80.000 - 100.000 nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam//100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Đối với xe máy:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định)

+ Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam//100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:

+ Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định)

 + Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam//100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Đối với ô tô:

+ Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

+ Phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam//100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra, tương ứng với từng mức độ vi phạm như nêu trên, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng, 16 đến 18 tháng và 22 đến 24 tháng (trừ trường hợp người điều khiển xe đạp, xe đạp điện).

Hồng Ninh (T/H)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ruou-bia-moi-nguy-hiem-khi-tham-gia-giao-thong-a14071.html