Cảnh báo bệnh Whitmore tăng cao đột biến sau lũ

(NĐ&ĐS) - Ngày 17/11, theo bệnh viện Trung ương Huế, trong mùa bão lụt kéo dài tại các tỉnh Miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tại Bệnh viện tăng gần 30 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi.

Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...,  50% đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy..của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều bênh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng..., điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Tỷ lệ tử vong trung bình của Whitmore là 40-60%. Khoảng 70% số lượng ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.

Tại bệnh viện TW Huế, từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020 có 28 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đặc bịệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei.

c409f555e402155c4c13
Bác sĩ của bệnh viện Trung ương Huế điều trị một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, vi khuẩn Whitmore chủ yếu lây nhiễm từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn .Hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore.

Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, PGĐ Bệnh viện Trung ương Huế, cần cảnh giác đến bệnh Melioidosis khi bệnh nhân nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11; có độ tuổi từ 35 trở lên; nhập viện với tình trạng viêm phổi, sốt, đa áp xe; có tiền sử đái tháo đường hoặc người nghiện rượu, bệnh phổi mạn, bệnh thận mạn, người sử dụng corticoid hoặc ung thư...; làm việc trực tiếp với đất hoặc nước thải.

Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo, sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường, người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn; vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch... và chăm sóc sức khỏe người dân sau lũ lụt là hết sức quan trọng và cấp thiết.

 Đình Duy

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-benh-whitmore-tang-cao-dot-bien-sau-lu-a13990.html