Vận động tham gia BHXH: Truyền thông đúng và trúng các nhóm chủ thể

(NĐ&ĐS) - Công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, tuyên truyền vận động trực tiếp đến người dân đã và đang được BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện có hiệu quả.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, trong bối cảnh tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn nhiều, BHXH Việt Nam vừa mới ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong toàn ngành. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với các nội dung sau:  

1. Truyền thông kết quả thực hiện toàn diện các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH; các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, những nỗ lực của toàn Ngành trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ lập thành tích chào mừng Đại hộiđại biểu toàn quốc lần thứ XIIIcủa Đảng với chủ đề “Toàn ngành BHXH quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

2. Truyền thông về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT:

2.1. Truyền thông ý nghĩa sâu sắc, kết quả thiết thực khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; truyền thông lan tỏa kết quả, sự thành công trong việc đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

2.2. Truyền thông về trách nhiệm, ý nghĩa việc hỗ trợ kinh phí đối với người tham gia BHXH, BHYT, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3. Tuyên truyền, động viên khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực cũng như ý nghĩa của việc tự đảm bảo an sinh cho bản thân của mỗi người dân, từ đó giúp người dân hình thành thói quen chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như một nhu cầu thiết yếu để chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.

4. Truyền thông vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT để tặng sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho người dân, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định… để ngày càng có nhiều người dân được đảm bảo an sinh xã hội, qua đó lan tỏa sâu rộng trong xã hội truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, ý nghĩa nhân văn, tính ưu việt của chế độ BHXH, BHYT đối với đời sống của người lao động và Nhân dân.

5. Tiếp tục truyền thông chuyên sâu về ý nghĩa nhân văn, giá trị thiết thực, lợi ích vượt trội khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, những rủi ro khi không tham gia. Qua đó giúp người dân hiểu sâu sắc hơn nữa chính sách BHXH, BHYT do cơ quan BHXH tổ chức thực hiện là các chính sách an sinh xã hội quan trọng, trụ cột của Đảng và Nhà nước, được Nhà nước đảm bảo thực hiện, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta, vì lợi ích lâu dài, bền vững của mỗi người dân; là chính sách quan trọng để đảm bảo quyền được an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp.

6. Truyền thông giá trị vật chất, tinh thần của việc hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động, qua đó hình thành thói quen tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy cho tuổi già, không lựa chọn hưởng BHXH một lần; vận động, khích lệ những người đang hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người đang hưởng lương hưu hàng tháng tuyên truyền về lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

7. Truyền thông về giá trị, ý nghĩa thời sự của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người lao động và Nhân dân:

7.1. Truyền thông các chế độ người lao động được hưởng do tác động của dịch COVID-19 như chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ ốm đau, chế độ BHYT…

7.2. Truyền thông kết quả thực hiện các giải pháp, sự nỗ lực của toàn ngành BHXH trong thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đợt dịch COVID-19; những đánh giá, ghi nhận của tổ chức, cá nhân về kết quả thực hiện, những nỗ lực của Ngành.

7.3. Tiếp tục truyền thông các chủ đề đã được BHXH Việt Nam phát động: chủ đề “Hưởng ứng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam chung tay phòng, chống dịch COVID-19” và chủ đề Ý nghĩa, lợi ích của cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin ngành BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia trong bối cảnh dịch COVID-19”.

Qua đó truyền thông làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong việc ổn định đời sống người dân khi có những biến cố, thiên tai, dịch bệnh khó lường, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân chủ động tham gia BHXH, BHYT như một nhu cầu tất yếu để phòng thân.

8. Truyền thông những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ của BHXH Việt Nam trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh gây ra.

9. Truyền thông các thông tin chỉ dẫn, các kênh thông tin, địa chỉ tiếp nhận yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của người dân như: số hotline, địa chỉ, số điện thoại, email cơ quan BHXH các cấp, các đại lý thu BHXH, BHYT… để người dân tiếp cận chính sách BHXH, BHYT, BHTN thuận lợi.

bhxh
Đoàn thanh niên BHXH tỉnh tuyên truyền lưu động về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: Minh Quang

Nhóm chủ thể cần truyền thông

Bên cạnh việc truyền thông lan tỏa chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng các nhóm chủ thể tiềm năng để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình:

1. Đối với BHXH tự nguyện

1.1. Người lao động tự do, đặc biệt ưu tiên vận động người buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, bán hàng online, trông giữ trẻ tại nhà, người giúp việc gia đình, người có thu nhập ổn định….

1.2. Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xã viên hợp tác xã trong các làng nghề truyền thống...

1.3. Hộ gia đình kinh doanh cá thể; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, trang trại thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, dịch vụ…

1.4. Người đang nhận trợ cấp của Nhà nước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng đang bảo lưu thời gian tham gia hoặc dừng tham gia.

1.5. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

2. Đối với BHYT hộ gia đình

2.1. Người chưa tham gia BHYT.

2.2. Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành.

2.3. Người đã tham gia BHYT thuộc các trường hợp sau: người thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo; người thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được cấp có thẩm quyền công nhận thành phường, thị trấn hoặc đạt chuẩn nông thôn mới (nhóm này khi được công nhận sẽ không còn thuộc diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí, do đó cần ưu tiên truyền thông để nhóm này tiếp tục tham gia BHYT, đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ lâu dài); người hết thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa có việc làm…

Hình thức truyền thông

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá hiệu quả các kênh truyền thông đã và đang thực hiện; qua đó thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư. Hình thức truyền thông phải xuất phát từ đặc thù từng nhóm dân cư gắn với nội dung truyền thông phù hợp, gần gũi, thân thiện; kết hợp hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống với các hình thức truyền thông mới. Để nâng cao hiệu quả truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cần ưu tiên các hình thức sau:

1. Tổ chức các hội nghị tuyên tuyền, vận động trực tiếp.

2. Tổ chức Lễ ra quân theo chiến dịch quy mô toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện.

3. Tổ chức các tổ, đội, nhóm nhỏ đến từng gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh, địa điểm công cộng để tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

4. Truyền thông tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên Internet, mạng xã hội; khuyến khích công chức, viên chức sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN, đăng tải, chia sẻ những câu chuyện hay, xúc động, gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong cộng đồng mạng.

5. Truyền thông qua các sản phẩm truyền thông: tờ rơi, tờ gấp, áp phích, chương trình truyền hình thực tế, phim ngắn, tiểu phẩm, gameshows, video, clip, viral clip, motion graphic, inforgraphic… về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ý nghĩa của lương hưu hàng tháng, rủi ro khi lựa chọn BHXH một lần, rủi ro khi không tham gia BHXH, BHYT, các thông tin chỉ dẫn, các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách…

Giải pháp đẩy mạnh truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Về cơ chế chính sách

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiến nghị, đề xuất việc hoàn thiện các quy định pháp luật có  liên quan, nhất là quy định về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm tạo sự hấp dẫn, thân thiện của chính sách đối với người dân trong quá trình tiếp cận như: đề xuất mở rộng phạm vi hưởng của chính sách BHXH tự nguyện, xây dựng gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt…

Về tổ chức thực hiện

BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt việc đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ./.

VD

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bhxh-viet-nam-tang-cuong-cong-tac-truyen-thong-chinh-sach-trong-toan-nganh-a13869.html