Dự kiến, dự toán xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu có tổng mức đầu tư 65 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 19.500 tỷ đồng từ ngân sách, khoảng 32.500 tỷ đồng là vốn tín dụng từ các tổ chức tài chính, 9.750 tỷ đồng là vốn huy động từ các HTX, doanh nghiệp; cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp 5% dự toán, tương đương 3.200 tỷ đồng.
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, xây dựng hạ tầng xã hội khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa của Hải Phòng; là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc chuyển đổi một số huyện thành các quận trong thời gian tới, đưa thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt tối thiểu 80 triệu đồng/người/năm; tất cả số người gặp khó khăn được hỗ trợ đột xuất; 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mỗi xã có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% hộ nông thôn có nhà ở đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo dưới 0,5%.
Trong điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được Hải Phòng xác định là xây dựng hệ thống đường trục chính từ xã đến các thôn, đến đường liên xã, đường huyện có lề đường, vỉa hè, có hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng. 50% hệ thống thủy lợi nhỏ, nội đồng được nâng cấp, kiểm soát được nguồn nước thải xả vào công trình thủy lợi; nâng cấp, đầu tư, cải tạo khu chôn lấp, xử lý rác, chất thải, nước thải. Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung được đầu tư đồng bộ, gắn với liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp.
Chính sách tài chính hỗ trợ đển bù vật kiến trúc trên đất được người dân hiến tặng để xây dựng các công trình nông thôn mới; hỗ trợ 100% lãi vay với mức tối đa không quá 70% vốn vay đối với các công trình đầu tư, cải tạo, mở rộng hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, điểm dịch vụ hỗ trợ thương mại cho các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn.
Theo ghi nhận của Hải Phòng, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 57 nghìn tỷ đồng; xây dựng được 3.899 km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp 1.996 km đường liên huyện, liên xã; đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp 559 công trình trường học; cải tạo, nâng cấp 8 công trình y tế…. Đến 2019, toàn bộ 137 xã của 7 huyện Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới, đưa thu nhập bình quân của người dân tại khu vực nông thôn từ 15,51 triệu đồng/người/năm (năm 2010) đạt đến 55 triệu đồng/người/năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 7,65% năm (năm 2010) xuống còn 1% (năm 2019).
Chương trình nông thôn mới đã tạo ra 651 trang trại, đội tàu đánh bắt thủy sản với 754 tàu. Có 54 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết hình thành 1.130 hộ dân vệ tinh trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. 24 doanh nghiệp đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 1.034 ha. Hải Phòng cũng đã quy hoạch 590 ha đất nông nghiệp cho doanh nghiệp đầu tư 3 khu ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch 42 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5.280 ha nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo đánh giá của Hải Phòng, Chương trình nông thôn mới mặc dù có chuyển biến về cơ cấu, năng suất nhưng kết quả chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vẫn còn khoảng 3.000 ha, chiếm khoảng 3,6% diện tích đất trồng lúa 2 vụ bị người dân bỏ hoang. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, Hải Phòng sẽ thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nam Khánh - Minh Hưng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hai-phong-xay-dung-47-huyen-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-a13845.html