Không dùng thuốc Ibprofen hạ sốt cho trẻ mắc sốt xuất huyết

(NĐ&ĐS) - Khi con sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

 

Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9.

sxh
Ảnh minh họa

TS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong số các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, thậm chí có trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh này.

TS Lâm cho hay, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh.

Hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. TS Lâm cho biết, trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường. Tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu. 

Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.

Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. "Cha mẹ không tự ý truyền dịch. Việc truyền dịch không có tác dụng hạ sốt, trong khi đó lại tiềm ẩn nguy cơ gây sốc rất nguy hiểm", TS Lâm lưu ý. 

Vì vậy, khi con có biểu hiện sốt nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ nên đưa con đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị và theo dõi. Trường hợp cần thiết tiểu cầu hạ, có dấu hiệu xuất huyết… sẽ được chỉ định nhập viện, tránh biến chứng nguy hiểm. 

Minh Khang

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/khong-dung-thuoc-ibprofen-ha-sot-cho-tre-mac-sot-xuat-huyet-a13810.html