Theo đó, các lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, ưu tiên lựa chọn giống cây, giống con mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên đầu tư.
Quảng Ninh đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận và làm chủ 172 quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tập huấn cho 12.000 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng miền núi tiếp nhận khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành, tạo nên những sản phẩm có năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở miền núi có tính cạnh tranh cao như miến dong Bình Liêu (huyện Bình Liêu), tỏi đen (TP Móng Cái), mía Hải Hà (huyện Hải Hà), củ cải (huyện Đầm Hà) …
Theo đánh giá của Quảng Ninh, ứng dụng khoa học, công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng miền núi đã cải thiện điều kiện sống của người dân, tạo sự chuyển biến về tư duy, mô hình phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị và hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Từ đó, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng sinh kế, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm dần sự khác biệt, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền trong địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đánh giá, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong khi đó, nông nghiệp là lĩnh vực có sự phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên, gặp nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất. Do vậy, việc thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần có thời gian dài, đòi hỏi có sự kiểm chứng. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Quảng Ninh được xác định là tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, tỉnh có 162.531 người (thống kê năm 2019) là người dân tộc thiểu số, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh với 43 thành phần dân tộc anh em. Mặc dù người dân tộc thiểu số chiếm số ít nhưng bà con lại cư trú tại 85% diện tích tỉnh Quảng Ninh. Trong số 177 xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh có 109 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ở những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia.
Nam Khánh - Minh Hưng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quang-ninh-dau-tu-225-ty-dong-cho-khoa-hoc-ky-thuat-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui-a13691.html