Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đánh giá, Đà Nẵng có năng lực y tế tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu chung trong điều kiện bình thường.
“Điều lo ngại nhất chính là ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở các khoa có bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhiều bệnh nền như Hồi sức cấp cứu, Nội thận tiết liệu, Nội tổng hợp”, Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nói.
Là người từng có thời gian chiến đấu với dịch COVID-19 tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Thuận, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nhận định: “Ở Vĩnh Phúc, Bình Thuận hầu hết ca nhiễm là những người từ nước ngoài về, người không có bệnh nền nên tỷ lệ ca nặng rất ít so với đợt này.
Đợt này số ca nặng rất nhiều và đòi hỏi huy động tổng lực chuyên gia về lĩnh vực hồi sức – cấp cứu mới có thể xử lý được. Đồng thời, cũng phải huy động nhiều phương tiện vật tư liên quan đến cấp cứu và hồi sức”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa: “Một điểm mà chúng tôi ưu tiên đó là vừa phải tập trung lực lượng cứu chữa bệnh nhân, vừa phải đồng thời giải tỏa được những bệnh nhân nặng đang nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ gánh nặng đó cho các cơ sở khác”.
Riêng bệnh nhân dương tính có mắc Covid-19 nặng đã được đưa về Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (điều trị tại đơn vị điều trị tích cực mới được thiết lập ở đây) và đưa về Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sau khi tiến hành giảm tải Bệnh viện Đà Nẵng hiện chỉ còn dưới 300 bệnh nhân điều trị. Trong số đó không có bệnh nhân nào dương tính với virus SARS-CoV-2, áp lực tại Bệnh viện Đà Nẵng đã được giảm đi rất nhiều.
“Đấy là những điểm mà chúng tôi đạt được dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Lê Bảo – Minh Thùy
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhieu-benh-nhan-covid-19-o-da-nang-co-tien-luong-tu-vong-cao-a13596.html