Lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% trong quý 1/2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% quý 1/2019; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh, ví như: dệt may, da giày với kim ngạch XNK giảm trên 10% so với cùng kỳ, giá cổ phiếu dệt may giảm 18,2% và da giày giảm 6% so với đầu năm; sản xuất, kinh doanh thép với doanh thu giảm khoảng 10% và giá cổ phiếu giảm 27,4%... Những ngành khác như sản xuất giấy và xây dựng chịu tác động ở mức độ “vừa phải”.
Mặc dù các doanh nghiệp đã dự trữ được nguồn nguyên liệu sản xuất cho những tháng đầu năm, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có đơn hàng, ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm so với tháng 3 và cùng kỳ năm trước.
Tại Hà Nội theo thống kê của Sở Công Thương thì chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính giảm 14,7% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các ngành giảm mạnh gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí đốt; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; khai khoáng.
Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn giảm so cùng kỳ do tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của chỉ số toàn ngành công nghiệp, gồm: Sản xuất phương tiện vận tải; đồ uống; máy móc, thiết bị; các ngành dệt, may, da giầy.
Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng lại tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước do phục vụ nhu cầu thiết yếu và trong phòng, chống dịch bệnh như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất chế biến thực phẩm.
Đến nay đa số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm so với cùng kỳ.
Hà Nội đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp có ưu thế, cơ hội phát triển như sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang, hóa chất vệ sinh, khử trùng, thiết bị y tế); chế tạo máy móc thiết bị trong lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến…
Tuy nhiên thực tế hiện nay nguồn nguyên liệu dự trữ của các doanh nghiệp đã cạn, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biêt từ Mỹ, EU tương đối khó khăn; trừ các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc tương đối ổn định, các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định cung cấp bảo đảm đơn hàng đã ký.
Hiện tại thị trường ngoài nước tuy còn khó vực dậy nhưng thị trường trong nước vẫn còn khả quan với phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt Nam" và sẽ cùng các sở, ngành, địa phương quyết liệt để phát triển thị trường trong nước.
Minh Hưng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/san-xuat-cong-nghiep-bi-anh-huong-truc-tiep-tu-dich-covid-19-a13449.html