Thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19
Những ngày này khi đến cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) chỉ thấy một khung cảnh đìu hiu, vắng lặng. Anh Nguyễn Hải Nam – một thuyền viên đang ngồi trông tàu chia sẻ: “Vào thời điểm này năm ngoái, trung bình tàu đón được 1-2 đoàn mỗi ngày. Từ khi dịch bùng phát, khách vắng hẳn, cả tháng chúng tôi chỉ đón được vài đoàn khách. Không chỉ tàu chúng tôi mà các tàu khác cũng chung số phận nằm bờ vì vắng khách. Mỗi tàu hiện giờ chỉ để lại 1-2 người trông tàu”. Nhìn một dãy dài các con tàu chen chúc nhau nằm im lìm tại cảng, khó có thể tưởng tượng rằng đây vốn là một địa điểm tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước ra vào.
Hạ Long có khoảng hơn 500 tàu du lịch đang phải tạm dừng hoạt động, hàng nghìn lao động đang phải tạm nghỉ, doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải trả các khoản kinh phí rất lớn như tiền lương của người lao động, trả lãi suất ngân hàng, nộp các loại thuế, tiền thuê bến bãi, kinh phí duy trì bộ máy, trả lương chờ việc, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải tăng thêm các chi phí phòng dịch khác như hỗ trợ khẩu trang y tế, phun thuốc sát trùng, nước rửa tay, bảo hộ cho người lao động và chi phí bảo quản, bảo trì các tàu. Nguy cơ khủng hoảng về tài chính sắp diễn ra là rất cao.
Ông Tô Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tuần Châu - cho biết, vào những ngày này hằng năm, vịnh Hạ Long đón từ 10.000 - 20.000 khách du lịch mỗi ngày, chủ yếu là dòng khách châu Á, kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho tới trước thời điểm tỉnh ra quyết định tạm dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, lượng khách qua cảng thăm vịnh cũng chỉ đạt khoảng hơn 1.000 lượt khách/ngày, có ngày chỉ đón vài trăm khách.
“Dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Mặc dù vậy, các chi phí thường xuyên duy trì hoạt động cảng không thể cắt giảm mà phát sinh nhiều hơn cho công tác phòng, chống dịch bệnh” – ông Nam cho biết thêm.
Chủ các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch cũng đang trong tình cảnh “như ngồi trên đống lửa”. Ông Phạm Thanh Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long Pacific - cho biết: “Trước khi Quảng Ninh có quyết định tạm ngừng đón khách, hoạt động du lịch cũng đã suy giảm nghiêm trọng, lượng khách giảm tới 50%. Cho đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động kinh doanh đã phải dừng hoàn toàn chờ diễn biến của dịch bệnh. Hiện, chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng liên quan sớm có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, phí, cũng như cơ cấu lại thời gian trở nợ, giãn nợ… để doanh nghiệp có thêm thời gian duy trì, chờ dịch đi qua”.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Theo đa số các chủ doanh nghiệp kinh doanh tàu biển tại Hạ Long, việc tạm dừng đón khách tham quan ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ du lịch, nhưng việc làm này là cần thiết để bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân và du khách trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành cần sớm có những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn này. Bên cạnh đó, cũng cần sự hỗ trợ từ các ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí thực chất từ miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn nợ, cho chậm nộp...
Theo ông Tô Hải Nam: “Cảng đã giảm 20% lệ phí ra vào cảng, phí neo đậu, thuê mặt bằng văn phòng đại diện với các chủ tàu và chủ doanh nghiệp hoạt động tại cảng. Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình diễn biến của dịch và theo sự chỉ đạo của tỉnh, cùng phối hợp với chi hội tàu để có sự hỗ trợ tốt hơn”.
Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, làm cơ sở để các ngân hàng tiếp tục triển khai. Hiện các chi nhánh ngân hàng thương mại tại Quảng Ninh đang rà soát, áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với những khách hàng thực sự bị tác động bởi dịch. Ngân hàng cũng đang có hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường hơn các mối quan hệ với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề để sớm nhận được phản hồi, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã bố trí kinh phí đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động cho các doanh nghiệp du lịch dịch vụ tại Trường đại học Hạ Long, hiện các đơn vị đang lên kế hoạch triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Du lịch, Ban quản lý Khu kinh tế và các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình lao động tại các doanh nghiệp, nhất là ngành dịch vụ, du lịch dừng hoạt động, giãn hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để đề xuất kịp thời các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp mà các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, điều chỉnh chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh cho phù hợp trong thời gian tới. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro cũng như có các kịch bản để đảm bảo hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đang tranh thủ sửa chữa cơ sở vật chất, xây dựng chiến lược tìm kiếm đối tác mới và chủ động kết hợp với các ngành nghề dịch vụ khác, chuẩn bị sẵn tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc có thể phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra… Biến thách thức thành cơ hội để tỉnh Quảng Ninh có thể trở thành một trung tâm du lịch xinh đẹp, an toàn và hiếu khách.
Theo Tiến Dũng / báo Công Thương
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quang-ninh-doanh-nghiep-kinh-doanh-tau-du-lich-than-kho-do-dich-covid-19-a13408.html