Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục, có những ngày nhiệt độ cao nhất lên đến hơn 40 độ C, đã gây ra không ít những vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Dưới đây là một vài chia sẻ giúp bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng:
Uống nhiều nước
Chống mất nước cho cơ thể bằng cách uống đủ nước, ăn thực phẩm loãng sẽ là một biện pháp hữu ích tăng cường sức khỏe đối phó với nắng nóng. Còn với những người mất nước quá nhiều qua hiện tượng tuốt mồ hôi như ở trẻ em đùa nghịch, người làm việc ngoài đường nắng nóng… thì chỉ uống nước thôi chưa đủ, mà hãy pha dung dịch oresol theo tỷ lệ đúng để dùng thay thế nước lọc, sẽ giúp cơ thể bồi phụ lượng nước, muối khoáng, đường mất qua mồ hôi. Hoặc có thể uống nước chanh tươi pha với một nhúm muối giúp cơ thể lại sức nhanh chóng.
Dinh dưỡng hợp lý
Mùa hè, nhắc đến ăn cơm, ai cũng ngao ngán vì mệt và chán miệng không buồn ăn, trong khi đó bỏ ăn lại tác động rất xấu đến sức khỏe, lâu dần dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vi chất làm cơ thể mệt mỏi.
Vì thế, hãy đảm bảo quy tắc, không cố ăn nhiều nhưng ăn đủ dinh dưỡng. Một bát súp thịt với các loại rau củ vừa cung cấp được tinh bột, đạm và cả các loại vitamin từ rau củ. Ngoài ra, các loại nước trái cây như cam, bưởi, nước dứa ép, các loại trái cây… sẽ luôn là sự lựa chọn tốt để cung cấp vi chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Chăm sóc đường hô hấp
Bật quạt lớn, để điều hòa nhiệt độ thấp sẽ làm khô vùng mũi họng và khô các dịch nhầy bảo vệ cơ thể, khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh. Vì vậy, tốt nhất nên để trong phòng điều hòa hoặc phòng có bật quạt lớn chậu nước giúp giữ ẩm cho phòng.
Ngoài ra, buổi tối trước khi đi ngủ, chúng ta có thể dùng nước muối sinh lý natri clorid 0,9% nhỏ mũi để giữ ẩm cho mũi họng.
Tránh thay đổi môi trường nhiệt độ quá đột ngột
Các bác sĩ khuyến cáo, những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra (hoặc ngược lại từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) cần phải có một thời gian "quá độ", không nên vội bước từ nhà ra ngoài đường luôn.
Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích nghi với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, nhiều người không kịp cân bằng cơ thể, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng...
Đảm bảo che nắng khi đi ra ngoài
Đợt nắng nóng này, mới 7 - 8h sáng thời tiết đã trở nên rất gay gắt, khi đi ngoài đường, khói, bụi, hơi nóng từ đường hấp lên càng khiến bức bối. Vì thế, hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài đường trong giờ nóng cao điểm từ 11h trưa đến 4h chiều. Và khi đi ra nắng, hãy đảm bảo toàn cơ thể được che nắng khi ra ngoài.
Nếu lao động ngoài trời nắng cần phải đội nón hoặc mũ rộng vành. Không để da, nhất là đầu, mặt, cổ gáy trực diện tiếp xúc lâu với ánh nắng. Tránh làm việc quá lâu ngoài trời nắng, nếu phải thường xuyên làm việc ngoài nắng thì cứ sau một khoảng thời gian lại vào chỗ râm mát nghỉ giải lao.
Nên đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân...) có độ dày thích hợp khi ra đường. Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ vitamin D từ trong ánh mặt trời.
Một số biểu hiện cần lưu ý khi bị kiệt sức vì nhiệt hoặc say nắng, say nóng:
- Người bị kiệt sức vì nhiệt sẽ thấy hoa mắt, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, da nhợt nhạt, buồn nôn hoặc nôn. Mạch đập nhanh và yếu, chuột rút cơ bắp.
- Còn nếu bị say nắng, trước tiên bạn cảm thấy đau đầu, người nóng lên, có thể sốt trên 39 độ C, không đổ mồ hôi, da ửng đỏ, buồn nôn và nôn, mạch đập nhanh và mạnh, thậm chí có thể bị mất ý thức.
- Khi gặp các triệu chứng đầu tiên, bạn cần phải làm mát cơ thể bằng việc nghỉ ngơi nơi có nhiều bóng mát. Nếu tình trạng kéo dài, nghiêm trọng hơn cần gọi ngay đến các cơ sở y tế để được trợ giúp.
- Mệt mỏi, khát nước là cảm giác chung dễ nhận thấy nhất trong thời tiết nóng bức. Ban ngày nắng ngột ngạt, đến tối thì cái nóng hầm hập phả lên từ nền đường hay từ những ngôi nhà có mái lợp tôn còn gây cảm giác khó chịu hơn.
- Người cao tuổi là một trong những đối tượng nhạy cảm nhất với thời tiết này. Vì vậy, dù ở trong nhà, uống thuốc đầy đủ, với người già có bệnh mạn tính vẫn có nguy cơ đối mặt với những ảnh hưởng của nắng nóng.
Đ.Long (t/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cach-bao-ve-suc-khoe-trong-nhung-ngay-nang-nong-a13343.html