Lê Thoại Kỳ - người được chọn

(NĐ&ĐS) - Với nhiều người ở Phú Yên, cái tên Lê Thoại Kỳ đồng nghĩa với “tình nguyện vì kẻ khó”. 28 tuổi, Kỳ hiện là người phụ trách chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh-Truyền hình Phú Yên, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Đom đóm Phú Yên.

Tuổi thơ dữ dội

Là người biết Kỳ đã nhiều năm, chị Trịnh Phương Trà (Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên) nhận xét: “Tuổi thơ đầy cơ cực, vậy mà Kỳ cứ thế tình nguyện làm việc giúp đỡ người khó khăn”.  

Chị Trà kể, khi Kỳ mới 2 tuổi thì mẹ bỏ đi, rồi bặt luôn tin tức. Đến năm Kỳ 12 tuổi thì người cha qua đời, em sống với bà nội khi đó đã hơn 70 tuổi. Từ đây, không muốn nghỉ học, Kỳ đi làm thuê, phụ giúp nội trang trải cuộc sống. Mỗi ngày, em phải thức dậy thật sớm để thuê xích lô kéo chuyển vật dụng, hàng hóa đi về cho các quán xá, quầy hàng tại chợ Tuy Hòa, Phú Yên. Sức đến đâu em làm đến đó, bất kể nắng mưa. Thường phải từ 10-12 giờ đêm, Kỳ mới xong việc để về nhà nấu cơm và tranh thủ học bài. Thế nhưng những năm phổ thông, Kỳ luôn là học sinh khá giỏi.

ltk 1
Lê Thoại Kỳ (đứng) trò chuyện với một cháu bị bệnh nan y, tại Quán cơm chay Tâm An.

“Các thầy cô ở trường hiểu hoàn cảnh của em và đã giới thiệu để các tổ chức trợ giúp. Bản thân em dù nhiều đêm làm mướn về mệt rã người, cũng phải cố gắng học bài đầy đủ. Các suất học bổng “vượt khó” đều lưu ý đến yếu tố… điểm cao”, Kỳ cười nhớ lại.

Trong gian khó, Kỳ vẫn ước mơ được làm người dẫn chương trình phát thanh, truyền hình. Ngay khi học phổ thông, Kỳ đã được nhận làm hợp đồng công việc kéo dây loa, đọc bản tin ở Đài truyền thanh phường 4, Tuy Hòa. Rồi Kỳ bắt đầu tập viết tin bài cộng tác với các báo, đài ở tỉnh. Kỳ thường viết về những hoàn cảnh khó khăn quanh mình, kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng.

Tốt nghiệp THPT, do khó khăn kinh tế nên Kỳ không thi đại học, xác định ở tại quê để vừa làm vừa học tiếp. Được biết, Kỳ vừa hoàn thành chương trình đại học công tác xã hội tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Phú Yên. Lúc này, Kỳ đang tiếp tục theo học chương trình đại học báo chí hệ tại chức.

“Nghề báo đã chắp thêm “đôi cánh” để em thỏa nguyện đồng cảm với những thân phận thiệt thòi trong xã hội”, Kỳ bày tỏ.

Thủ lĩnh Đom đóm

Năm 2010, Kỳ đề đạt ý tưởng thành lập CLB Tình nguyện Đom đóm Phú Yên. Ý tưởng đã được Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Phú Yên) ủng hộ, và đến nay đã 10 năm, Kỳ là Chủ nhiệm CLB này.

Những ngày đầu thành lập, CLB Đom đóm có khoảng 10 thành viên tuổi 15-18. Phần lớn các bạn là học sinh, sinh viên “tay trắng” nhưng giàu lòng chia sẻ cộng đồng. Kỳ cùng các bạn đi gom từng quyển sách về cẩn thận bao bọc lại; quần áo cũ thì về giặt sạch, phân loại, rồi đem trao cho người cần dùng. Mỗi khi có trường hợp cần giúp đỡ, Kỳ và các bạn mang thùng đến chợ quyên góp từng đồng từ các tiểu thương…

ltk 3
Lê Thoại Kỳ (thứ 2 từ trái sang) đang tiếp nhận đồ đạc cũ cho Quán 0 đồng.

 

Khi vào nghề báo, Kỳ liên tiếp thực hiện nhiều bài viết, phóng sự về những hoàn cảnh khó khăn, rồi tương tác, kêu gọi sẻ chia trên mạng xã hội. Nhiều người hiểu và tin tưởng công việc của Kỳ “đom đóm”, thế là sự ủng hộ lan tỏa mạnh dần. Hình ảnh những chiếc áo xanh CLB Tình nguyện Đom đóm ngày càng nhận được nhiều tình cảm yêu thương, tin tưởng của mọi người.   

Theo bạn Nguyễn Huỳnh Thanh (thành viên CLB Đom đóm Phú Yên), Ban chủ nhiệm CLB luôn có nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động hết sức phong phú, hấp dẫn. Ví như, mùa Tết thì CLB có chương trình “Xuân yêu thương”, “Tết sum vầy”,… Mùa hè thì có “Vui hội 1/6”, “Bữa cơm yêu thương”,… Mùa thu thì có “Tiếp bước cho em đến trường”, “Trung thu yêu thương”,... Riêng mùa mưa lũ, CLB dồn sức thực hiện chương trình “Mùa đông ấm áp” cứu trợ bà con, giúp trẻ em nghèo. Đến nay, Đom đóm Phú Yên đã huy động được hàng tỷ đồng với hàng ngàn suất quà trao đến tận tay những người khốn khó.  

“Công việc thiện nguyện, từ nắm bắt thông tin đến khảo sát, vận động hỗ trợ, nhiều khi chẳng dễ dàng. Anh Kỳ luôn có nhiều “kênh” rất cụ thể, phân nhiệm vụ chặt chẽ nên mọi việc rất trôi chảy. Lúc nào anh cũng làm việc hết sức vô tư, nhiệt tâm, kéo mọi người xích lại gần nhau”, Huỳnh Thanh nói.

Khi tôi hỏi “vì sao CLB có tên Đom đóm?”, Kỳ cho hay: “Ngày xưa, người học trò nghèo đã dùng Đom đóm để soi sáng học bài, để hướng đến tương lai. Đom đóm đã trở thành biểu tượng của hiếu học, của ánh sáng cuộc đời. Em muốn dùng biểu tượng này để thắp sáng tương lai cho học trò nghèo và thắp sáng niềm tin cho những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống”.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên ghi nhận: “CLB Tình nguyện Đom đóm Phú Yên hoạt động hết sức hiệu quả trong các chương trình đồng hành giúp người yếu thế. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ, các bạn còn chủ động tổ chức bán bánh, hoa, trái cây,… để gây quỹ hoạt động, giúp đỡ người nghèo. Nhiều người được CLB giúp đỡ, sau đó đã chung tay đi làm thiện nguyện”.

Nhịp cầu thanh xuân

Cách đây hơn 5 năm, Lê Thoại Kỳ bắt đầu đảm trách xây dựng chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh-truyền hình Phú Yên. Đến nay, chương trình đã thực hiện hơn 50 số, vận động được trên 10 tỷ đồng chuyển đến giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, Kỳ ấn tượng nhất là hoàn cảnh cụ bà Trần Thị Gương (ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên). Cụ Gương đã 92 tuổi, sức đã kiệt nhưng đang nuôi 2 con gái bị bại liệt do chất độc da cam. Khi chương trình vận động kết nối, cụ đã được giúp gần 1 tỷ đồng, xây được nhà mới. Đặc biệt sau đó, cụ Gương đã chia sẻ số tiền mình được giúp để hỗ trợ cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác…

Ông Phan Xuân Luật, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Phú Yên tâm đắc: Kỳ đã làm việc “gấp nhiều lần” số tuổi của mình. Ngoài các chương trình thiện nguyện khắp nơi, Kỳ còn điều hành Quán cơm miễn phí Tâm An (tại 27 Huỳnh Thúc Kháng, Tuy Hòa). Hằng ngày, quán phục vụ 300 suất cơm chay vào mỗi buổi trưa; ngày rằm và đầu tháng thì tăng gấp đôi. Cạnh quán cơm chay, Kỳ còn tổ chức “Quán 0 đồng: Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho”. Rất nhiều người cơ khổ, sau khi ăn trưa miễn phí, đã được nhận quần áo, đồ đạc cũ về dùng.  Mỗi đêm về, Kỳ lại trực tiếp đứng lớp dạy học miễn phí cho gần 100 em nhỏ tại xã Hòa Kiến, Tuy Hòa.          

Khi tôi thắc mắc “Kỳ lấy đâu sức làm quá nhiều việc cùng lúc?”, Kỳ nói: “Buổi sáng trước khi bước vào một ngày năng động, em đều viết ra giấy những công việc mình làm và phối hợp nhóm. Không bỏ sót việc, ưu tiên làm những việc cấp bách, giúp đỡ cho bà con nghèo có hoàn cảnh hoạn nạn. Tất nhiên, công việc ở Đài phải làm chu toàn. Nhiều lúc cũng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhưng em luôn thấy vui với việc mình làm”.

Hỏi về dự định tương lai, Kỳ trải lòng: “Em chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Ước nguyện của em là sẽ xây nhà mình ở núi Chóp Chài (Tuy Hòa) thành một mái ấm để nuôi các em nhỏ cơ nhỡ, người già neo đơn”.

Ông Phan Xuân Luật nhìn nhận: “Sự tận tâm trong từng việc làm của Kỳ đã thuyết phục mọi người. Kỳ luôn năng động vượt qua nghịch cảnh, làm tốt điều mình muốn, dành tất cả cho đam mê sẻ chia. Tất cả tiền bạc, vật chất của người ủng hộ từ thiện, Kỳ đều trao lại tận tay từng hoàn cảnh, không thiếu một xu, một cắc. Năm 2018, Lê Thoại Kỳ là một trong 10 gương mặt “Tuổi trẻ sống đẹp” do Trung ương Đoàn tổ chức bình chọn, tôn vinh. Có lẽ, công việc thiện nguyện đã chọn Kỳ!”.

(Bài dự thi Cuộc thi viết Tôi tình nguyện –MS 22)

Đức Tuấn

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/le-thoai-ky-nguoi-duoc-chon-a12879.html