Hạnh phúc của người phụ nữ 2 lần được nhận giác mạc

Gặp chị Tô Thị Thắm, xóm 1, xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) hiện nay, khó có thể hình dung, mới 1 năm trước đây, chị là một người "mù dở", gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt trong chăm sóc, dạy dỗ con cái... Câu chuyện chị Thắm được nhận 2 giác mạc của người hiến tặng ở Ninh Bình, viết nên câu chuyện cổ tích về tình người giữa đời thường.

Trong căn nhà mái bằng khang trang bám mặt đường xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), nếu không được Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình Bùi Trọng Kỳ giới thiệu trước, chúng tôi không thể hình dung, người phụ nữ đón chúng tôi với dáng đi nhanh nhẹn và nụ cười tươi rói ấy từng là 1 người mắt kém, gần như mù hoàn toàn, nay đã trở thành một phụ nữ bình thường như bao chị em khác.

hien-giac-mac
Chị Tô Thị Thắm (thứ 2 từ trái sang) vui vẻ trò chuyện cùng lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh sau khi được ghép giác mạc thành công.

Cuộc đời chị Thắm có những nỗi buồn, nhưng cũng được ưu ái nhiều niềm vui, sự may mắn, khi mặc dù mắt kém, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng đến tuổi trưởng thành, chị vẫn tìm được người đàn ông yêu thương chân thành, sự chia sẻ, cảm thông, hỗ trợ của gia đình 2 bên nội, ngoại. Hiện chị Thắm đang có một gia đình hạnh phúc, với người chồng thương yêu, các con chăm ngoan, thương mẹ.

Chị Tô Thị Thắm chia sẻ: Năm nay 32 tuổi, nhưng chị đã có hơn 20 năm sống trong cảnh mù lòa. Những năm tháng học tiểu học, mắt chị Thắm bình thường như bao bạn bè khác. Nhưng đến năm 2001, khi chị học lớp 7, tự nhiên thấy mắt cứ bị mờ dần đi. Đến cuối năm học lớp 7, chị không thể tiếp tục đến trường. Một mắt chỉ nhìn được trong khoảng cách 1m, mắt còn lại cũng không khá hơn là bao. Bắt buộc phải nghỉ học giữa, giấc mơ được học tập, vui chơi như các bạn khép lại đối với một đứa trẻ mới hơn chục tuổi đầu.

Thương con, mang hi vọng sẽ chữa lành đôi mắt cho chị, bố mẹ chị Thắm nhiều lần đưa con đến các bệnh viện tốt nhất về mắt của Trung ương để khám và điều trị. Tại đây, các bác sỹ kết luận chị bị viêm giác mạc chóp - một loại bệnh về mắt hiếm gặp thời điểm đó, đòi hỏi phải có sự kiên trì, kết hợp với nhiều biện pháp điều trị khác nhau may ra mới có tiến triển. Lúc này, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Thắm không có điều kiện để điều trị lành đôi mắt. 

Từ đó, do đôi mắt rất mờ, chị Thắm không có công việc ổn định. Hàng ngày chị phụ giúp việc nhà và loanh quanh với mấy việc đồng áng đơn giản. Đến năm 2008, khi vừa tròn 20 tuổi, chị Thắm kết duyên cùng anh Nguyễn Trọng Hùng, cũng là người gần nhà, rất cảm thông với hoàn cảnh của chị. Thương vợ chịu nhiều thiệt thòi, anh Hùng an ủi vợ cứ yên tâm ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, còn bản thân đi làm ăn xa kiếm tiền chữa mắt cho vợ.

Đến năm 2013, sau khi sinh 2 con trai, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, chị Thắm cùng chồng tính đến chuyện đi khám chữa mắt lại. Được bác sĩ Bệnh viện mắt Trung ương chẩn đoán, mắt chị có thể chữa trị được nếu ghép giác mạc thành công. Các bác sĩ cũng động viên chị đăng ký nhận giác mạc thông qua các chương trình từ thiện. Đặc biệt, dù có giác mạc để ghép cũng không hề đơn giản, bởi lẽ phải phù hợp giữa người hiến và người ghép. Cùng với đó, còn phải tùy thuộc vào nguyện vọng của gia đình người hiến giác mạc. Hơn thế nữa, khi có giác mạc, phải có bác sĩ có kinh nghiệm, tay nghề cao, thì sự thành công mới đến...

Đến giữa năm 2019, niềm vui đến với chị Thắm và gia đình khi chị nhận được thông tin từ Bệnh viện Mắt Trung ương, là có giác mạc phù hợp với chị. Ngay sau đó, giác mạc đầu tiên đã được các bác sĩ ghép cho chị thành công ở mắt phải, vào tháng 10/2019. Giác mạc thứ nhất được ghép rất phù hợp với người nhận, mắt phải chị Thắm phục hồi rất nhanh, chỉ vài tuần sau, chị có thể nhìn rõ mọi vật ở cách xa vài mét. 

to-thi-tham-1
Nhờ tấm lòng nhân ái của 2 gia đình hiến giác mạc, đôi mắt của chị Thắm đã tìm lại được ánh sáng

Sau đó gần 1 năm, vào tháng 8/2020, niềm vui tiếp theo lại đến với chị Thắm, khi chị được tặng và ghép nốt giác mạc cho mắt trái còn lại. Đến nay, sau hơn 1 tháng ghép giác mạc thành công, đôi mắt của chị đã dần như người bình thường, có thể nhìn xa vài mét và không gặp sự khó chịu nào. Điều đặc biệt đối với chị Thắm, là cả 2 giác mạc được tặng cho chị, đều là của 2 gia đình người thân ở Ninh Bình tâm nguyện tặng cho người có nhu cầu trong tỉnh.

Chị Thắm xúc động cho biết, chị thật sự hạnh phúc và cảm động, cảm ơn rất nhiều tấm lòng nhân ái của 2 gia đình đã tặng giác mạc cho chị, giúp chị tìm lại được ánh sáng. Nhờ đó, cuộc sống của chị hôm nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Không chỉ nhìn rõ mọi người, chăm sóc chu đáo cho chồng, con, chị Thắm có thể đi lại bình thường như bao người phụ nữ khác và đáng quý hơn, chị đã tìm được 1 công việc phù hợp, tại một công ty may gần nhà, 

"Đó là niềm hạnh phúc mà tôi mơ ước hàng chục năm qua... Tôi xin được cảm ơn và tri ân đến những người đã tình nguyện hiến giác mạc, để tôi có thể có cuộc sống may mắn, hạnh phúc như thế này... Để tri ân hành động cao cả đó, tôi cùng người thân trong gia đình đều tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, với mong muốn có thêm những người kém may mắn như mình tìm lại được ánh sáng và sống cuộc sống ý nghĩa hơn.... "- chị Thắm nghẹn ngào chia sẻ thêm.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết: Trường hợp chị Tô Thị Thắm, xã Khánh Thủy, là một người mù may mắn nhất tỉnh Ninh Bình. Chị Thắm được nhận đôi giác mạc của hai người hiến tặng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cả 2 mắt chị Thắm đều khá ổn định, với tỷ lệ 6/10, có thể nhìn rõ mọi vật cách xa nhiều mét. Điều này thuận lợi cho chị trong sinh hoạt cuộc sống và tự làm việc tại công ty may gần nhà với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng...

"Tấm lòng của người hiến, gia đình người hiến giác mạc đã thắp lên ngọn lửa của lòng nhân ái, của tình người cao cả, ngày càng lan tỏa thông điệp: "Chung tay vì sự sống" và "Cho đi là còn mãi", nhân thêm lên những tấm lòng cao cả, viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường...." - ông Kỳ khẳng định.

Theo Báo Ninh Bình

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hanh-phuc-cua-nguoi-phu-nu-2-lan-duoc-nhan-giac-mac-a12876.html