Thanh xuân là những năm tháng đáng nhớ

(NĐ&ĐS) - Quay ngược thời gian tìm về kí ức, tìm lại những kỉ niệm đã thuộc về ngày hôm qua, tìm lại những năm tháng không bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi. Đó là ngày tôi lên năm tuổi, ngày mà đôi mắt tôi vĩnh viễn không còn nhìn thấy được gương mặt hiền hậu của mẹ và vầng trán suy tư của cha. Ngày mà bao nhiêu ước mơ hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ tôi bị chôn vùi vào màn đêm đầy u ám. Ngày mà tôi bị mù cả hai mắt.

Ngày ấy, tôi như chú chim non bị lạc giữa biển đêm đầy bão tố. Nhiều khi tay quờ quạng, đưa chân bước mà không biết phía trước là cái gì. Rồi tôi dần nhận ra rằng có gào khóc, có làm loạn, có bỏ bữa… cũng vô ích vì không thể nhìn thấy được gì nữa. Và sau đó, tôi chỉ biết cố gắng, cố gắng từng giây, từng phút. Cố gắng không để cho bản thân mình gục ngã. Cố gắng để vươn tới ngày mai, một ngày tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Ngày qua ngày, tôi khao khát được đến trường, được ê a con chữ, được lắng nghe những lời giảng của thầy cô, những tiếng hò reo, nô đùa của bạn bè. Nhưng tại thời điểm đó, tôi cứ ngỡ rằng những khát khao bình dị ấy là điều không thể. Thế rồi cho đến đầu năm 2000, tôi 11 tuổi, được đi học chữ Braille. Khoảnh khắc ấy mọi thứ trong tôi như vỡ òa. Và cũng kể từ giây phút ấy, tôi hiểu rằng chỉ có con đường học thì mới giúp tôi vươn lên hòa nhập với cộng đồng, đạt được ước mơ, trở thành một công dân có ích cho gia đình, cho xã hội. Không còn đôi mắt, tôi biết rằng mình sẽ nhìn cuộc đời này bằng khối óc và bằng cả trái tim.

IMG_0558
Chủ tịch Hội người mù huyện Triệu Sơn - Lê Sỹ Anh (áo đỏ) tham gia lớp tập huấn viết văn, viết báo do Hội người mù tỉnh Thanh Hóa tổ chức tháng 7/2020

Học xong lớp tiền hòa nhập tại Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người mù Thanh Hóa, tôi về xin học hòa nhập tại địa phương. Ban đầu việc xin học hòa nhập của tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ lúc bấy giờ ở địa phương tôi chưa có một trường hợp nào như tôi, vì vậy các thầy cô và nhà trường đã không đồng ý. Thế nhưng bằng sự quyết tâm thuyết phục của mình, tôi đã được nhận vào học hòa nhập với những người bình thường. Việc học hòa nhập của tôi gặp vô vàn khó khăn bởi đến một cuốn sách giáo khoa cũng không có, thế là tôi phải nhờ bạn bè, người thân đọc cho tôi chép từng trang sách giáo khoa để lấy tài liệu học tập. Ngày qua ngày, bản thân tôi cứ thế chăm chỉ, miệt mài học tập, tích lũy kiến thức, học hỏi nhiều điều bổ ích từ thầy cô và bạn bè.

Không thể nào quên những ngày tháng ấy, khi bố và mẹ tôi luôn bên tôi, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, động viên tôi từng bước vượt lên số phận để làm chủ cuộc đời mình. Bằng sự cố gắng, sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân, cùng với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, của thầy cô, bạn bè… tôi đã hoàn thành chương trình tiểu học, rồi trung học cơ sở và tốt nghiệp trung học phổ thông khi tròn 23 tuổi.

Vào giữa năm 2012, gác lại những năm tháng học sinh vô tư và đầy hồn nhiên, tôi đem theo lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ bước vào cổng trường Đại học Luật Hà Nội, trường đại học mà tôi hằng mơ ước bấy lâu nay. Cũng chính nơi đây đã chắp cánh cho ước mơ tôi bay cao hơn, xa hơn, để rồi suốt cả quãng đời sinh viên đã cho tôi thật nhiều kí ức đẹp mà có lẽ rằng cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được.

Thời gian đầu nhập học, khó khăn chồng chất khó khăn, mọi thứ không hề đơn giản như tôi vẫn tưởng tượng ra trước đó. Gia đình khuyên ngăn không cho đi học, bản thân thì lại quá bỡ ngỡ khi đặt chân lên đất Hà Thành nhộn nhịp. Thế là chỉ một mình tôi bơ vơ, lạc lõng giữa thủ đô. Tôi không biết đi đâu, về đâu khi mà cả thế giới như đang chống lại mình. Từ việc đi lại cho đến chỗ ăn ở, tôi đều phải tự lập. Đối với một sinh viên mắt sáng bình thường, việc sống xa nhà đã là một điều vô cùng khó khăn rồi, với một người mù như tôi khó khăn ấy dường như được nhân lên gấp bội.

Tôi bắt đầu bước vào những tháng ngày gian nan ấy bằng việc đi tìm phòng trọ, tìm chỗ ở, chỗ làm thêm để làm sao cho quãng đường đi tới trường của tôi được thuận tiện nhất có thể. Thế rồi mọi thứ cũng dần dần được tôi thích nghi và khắc phục. Đi hết từ khó khăn này đến khổ cực khác nhưng trong tôi luôn vững tin rằng: mọi thứ sẽ trở nên bình thường nếu ta cho đó là thử thách mà cuộc sống bắt ta phải đối diện và vượt qua nó, cũng giống như đại dương mênh mông kia sẽ không thể đánh chìm một con tàu nếu nước không tràn vào bên trong nó.

Ngày đó, tôi đam mê, say sưa học tập vì hiểu rằng không còn lựa chọn nào khác. Bởi lẽ, gần 10.000 sinh viên trong trường thì chỉ duy nhất mình tôi bị mù. Phải học tập trong một môi trường vô cùng khó khăn cho người mù, không có lấy một cuốn giáo trình, tài liệu chữ nổi, thư viện thì không khai thác được gì, mà kiến thức thầy cô truyền tải lại quá nhiều, hơn nữa chuyên ngành tôi học là luật nên các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được cập nhật và số lượng văn bản của các chuyên ngành luật khác nhau là vô cùng nhiều. Vì vậy, để một người mù như tôi học và theo được là một điều không tưởng. Lúc đó trong tôi chỉ suy nghĩ được rằng mình phải học, phải theo đuổi tới cùng bởi đây chính là cơ hội cho tôi và hơn cả là trách nhiệm của một thế hệ đi trước, để chứng minh cho nhà trường, xã hội biết được những người mù như tôi hoàn toàn có thể học tốt nếu được trao một cơ hội.

Trong quãng đời sinh viên của mình, tôi luôn có những người bạn đồng hành và giúp đỡ trong suốt quá trình học tập. Tôi cũng được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các chuyến đi dã ngoại cùng lớp, điều đó lại càng giúp tôi có những trải nghiệm của thời sinh viên thật tuyệt vời. Và cũng chính ở ngôi trường này đã cho tôi gặp được những người thầy, những người cô luôn quan tâm, nhiệt tình, luôn thương yêu học trò và đặc biệt hơn cả là rất nghiêm khắc trong giảng dạy. Tôi vẫn có thể bị thi lại nếu làm bài không tốt, vẫn được điểm 0, điểm 1 nếu bài làm của mình kém. Điều đó không làm cho tôi chán nản mà ngược lại, tôi lại cảm thấy vui vì mình được đối xử bình đẳng như những sinh viên khác.

Chính vì điều đó, tôi luôn nỗ lực hết mình trong việc học và luôn tham gia các hoạt động tình nguyện trong trường cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày ấy, tôi là thành viên của Câu lạc bộ tư vấn pháp luật cho người khuyết tật của trường. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các tổ chức của người khuyết tật để tư vấn, tuyên truyền và giúp đỡ họ trong những vấn đề có liên quan đến pháp lý. Ngoài ra, tôi còn là một tình nguyện viên của nhóm Điểm Tựa trên địa bàn thành phố Hà Nội, nơi đó có những sinh viên, học sinh mù như tôi. Chúng tôi chia sẻ, giúp đỡ nhau trong việc học, người đi trước giúp đỡ người đi sau.

Thời gian thấm thoắt trôi qua mau, rồi cũng đến lúc tôi tốt nghiệp đại học. Sau 4 năm, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ngành luật loại giỏi mà lòng rưng rưng. Sẽ chẳng bao giờ có mĩ từ nào diễn tả được hết cảm xúc khi đó của tôi.  

Giờ đây, khi hồi tưởng về tôi của ngày hôm qua, phải trải qua bao nhiêu biến cố của cuộc đời. Vượt qua những sóng gió, khó khăn, thách thức trong cuộc sống khi bị mù để có được tôi của ngày hôm nay là cả một quá trình mà mỗi lần nhớ về, tôi lại thầm cảm ơn.

Cảm ơn bố mẹ đã luôn ở bên tôi.

Cảm ơn thầy cô, bạn bè những người luôn chia sẻ, động viên và giúp đỡ tôi.

Cảm ơn Đại học Luật Hà Nội đã cho tôi một quãng đời sinh viên thật đẹp, một thanh xuân trọn vẹn như bao sinh viên khác.

Cảm ơn những khó khăn, thử thách của cuộc sống đã cho tôi có được tôi của ngày hôm nay.

31 tuổi, tôi hiện là Chủ tịch Hội người mù huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và là một người tư vấn luật nhiệt tình cho cộng đồng. Tương lai phía trước với tôi chắc chắn sẽ là những tháng ngày tươi đẹp. Tôi tin tưởng thế vì mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về quãng đời sinh viên đã qua để lấy đó làm động lực mà vươn tới. Bằng sức trẻ, bằng ánh sáng từ tâm hồn, tôi sẽ bước tiếp, thật vững chắc để tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc, để giúp đỡ những người đồng tật vượt qua khó khăn và vươn lên.

Cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi những năm tháng thanh xuân đáng nhớ!

Lê Sỹ Anh - Chủ tịch Hội người mù huyện Triệu Sơn

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thanh-xuan-la-nhung-nam-thang-dang-nho-a12851.html