Hằn sâu trong suy nghĩ lạc hậu của tôi cách đây hơn 10 năm, máu là một phần cơ thể của con người, nó là cái gì đó quý giá và thiêng liêng của gia tộc, dòng họ hay là cái riêng có của mỗi con người. Đem máu cho người khác là làm hại bản thân, nặng nề hơn nữa là đem cái gì đó thiêng liêng của cha mẹ cho người khác, thậm chí là cái gì đó liên quan đến di truyền. Và, suy nghĩ lạc hậu đó chắc không riêng mình tôi mà còn cả với rất nhiều người dân quê tôi, một vùng nông thôn chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Tôi còn nhớ, tháng 3/2008, khi Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Quảng Ninh vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện, Trung tâm huyết học truyền máu khu vực Huế sẽ phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện nhà tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện tại trung tâm huyện, cả xã chúng tôi không có người tham gia.
Thời điểm đó ai cũng nghĩ rằng, cho máu rồi bản thân mình sẽ không đảm bảo sức khỏe để chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, hay đem máu cho người khác sẽ ảnh hưởng cuộc sống,…
Riêng tôi, phần muốn đi, phần còn e ngại. Muốn đi, bởi hơn ai hết tôi là một tình nguyện viên Chữ thập đỏ, tôi có tham gia hiến máu tình nguyện thì nhân dân trong xã mới lấy làm gương để tự vượt qua nếp nghĩ cổ hủ của mình; Phần e ngại, sợ rằng chồng và gia đình không cho đi, bởi tôi chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm thuyết phục gia đình, người thân.
Và cứ thế, chần chừ, e ngại. Cơ hội HMTN đầu tiên năm 2008 cũng qua đi.
Đến tháng 9/2008, sau nhưng đợt trực tiếp tham gia nghe bài truyền thông của Hội Chữ thập đỏ các cấp, đọc các bài viết của những người từng tham gia hiến máu tình nguyện, nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế tuần hoàn của máu trong mỗi cơ thể sống, sự cần thiết của mỗi giọt máu trong cấp cứu và điều trị, tôi quyết định tham gia hiến máu tình nguyện tại huyện Quảng Ninh.
Trong hồi hộp, xen lẫn sự lo lắng của ngày đầu quyết định đem máu cho người khác, tôi dậy từ rất sớm, chuẩn bị tư tưởng, tâm lý cho chồng và gia đình để lên đường. Vượt qua cổng làng, về trung tâm huyện Quảng Ninh, hòa vào đám đông những người tình nguyện hiến máu, được các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn, các thành viên ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện động viên, các y, bác sỹ, kỹ thuật viên Trung tâm Huyết học và Truyền Máu khu vực Huế giải thích tôi mới vở lẽ ra nhiều điều.
Kết quả, 250ml máu toàn phần đầu tiên được thực hiện, tôi đã chiến thắng được bản thân. Một niềm tự hào mới trào dâng, mình đã làm được một việc có ích cho người khác mà không hề tổn hại gì cho sức khỏe. Cùng đồng hành với tôi hôm đó, toàn xã Vĩnh Ninh có 5 người, hầu hết là các thanh niên nam khỏe mạnh, mình tôi là phụ nữ, song tất cả chúng tôi đều khỏe mạnh và vui vẻ.
Vượt qua lần đầu tiên ấy, tôi như người “bị say” trong phong trào hiến máu tình nguyện, cứ mỗi đợt vận động hiến máu tình nguyện của huyện, tôi là người đăng ký đầu tiên. Càng tham gia hiến máu tình nguyện tôi thấy mình ngày càng trẻ thêm, da trở nên hồng hào hơn, sức khỏe tốt lên và hơn thế nữa là tinh thần sảng khoái, tâm hồn thanh thản vì giọt máu của mình sẽ cứu sống cho một cuộc đời nào đó cần tiếp máu.
Tôi luôn luôn tâm niệm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, “Hãy hiến máu của mình, khi còn có thể” để mang lại niềm hy vọng được sống cho những người xung quanh. Trong 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện, bản thân có không dưới 5 lần tôi cùng người trong xã tham gia hiến máu trực tiếp cứu sống người bệnh tại bệnh viện Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới.
Không chỉ bản thân tham gia hiến máu cứu người, trong 10 năm gần đây, tôi còn vận động được rất nhiều người cùng tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức UBND xã, các anh chị em trong hội nông dân, hội phụ nữ và những người thân trong gia đình đều đặn mỗi năm 2 đợt tham gia HMTN.
Đặc biệt chồng tôi, từ một người nông dân luôn sợ mũi kim tiêm chích vào người cũng đã tự nguyện đồng hành HMTN, rồi vận động các con cùng tham gia. Đến năm 2018, gia đình tôi là một trong những gia đình được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen gia đình hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn tỉnh.
Xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh từ 5 người tham gia hiến máu tình nguyện đầu tiên năm 2008, đến năm 2019 đã có 67 người tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có 8 người luôn dự bị, trực tiếp hiến máu để cứu sống người bệnh tại các bệnh viện.
Và đến nay, đồng hành cùng việc sẵn sàng đi cho máu để cứu sống người bệnh, tôi đã vận động thêm được 2 người bạn đăng ký thành công hiến mô, tạng khi qua đời và tôi sẽ là người tiếp theo đăng ký hiến mô, tạng trong năm 2020 nhằm phần nào góp phần nhỏ bé của mình để cứu sống những người bệnh trọng.
Hồng Minh ghi theo lời kể của bà Đỗ Thị Cạnh,
thôn Vĩnh Tuy 4, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/toi-di-cho-mau-a12700.html